Theo đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị cáo Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó Tổ giám sát) về xin hưởng án treo; Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên Tổ giám sát) về xin giảm nhẹ hình phạt.
Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo: Đặng Thanh Bình 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm), Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó Tổ giám sát) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách 2 năm), Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát) 1 năm (giảm 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm), cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo, tuyên phạt y án đối với các bị cáo Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An) 2 năm tù, Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An) 2 năm 6 tháng tù về cùng tội danh như trên.
Theo bản án sơ thẩm, quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), bị cáo Đặng Thanh Bình là người được giao nhiệm vụ giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, đã có bút phê vào tờ trình của Cơ quan thanh tra giám sát với nội dung: Việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng bút phê này không trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Qua chứng cứ là bút phê nêu trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, bị cáo Đặng Thanh Bình đã thực hiện nhiệm vụ không đúng, chưa kịp thời, không xác định đúng trọng tâm của nhiệm vụ. Trên thực tế, kết quả điều tra, truy tố xét xử các giai đoạn của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã chứng minh, nhóm nhà đầu tư mới do Phạm Công Danh đứng đầu không có thực lực tài chính tham gia tái cơ cấu. Bằng các thủ đoạn gian dối, Phạm Công Danh và đồng phạm đã sử dụng chính tiền giải ngân của các khoản vay của Ngân hàng Đại Tín để chứng minh năng lực tài chính.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, việc thiếu kiểm tra giám sát, chỉ đạo không quyết liệt để chấm dứt tình trạng sai phạm của các bị cáo đã tạo điều kiện cho nhóm Phạm Công Danh phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; cấp sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng thừa nhận trách nhiệm và xin Hội đồng xét xử xem xét thêm các tình tiết về nhân thân, thành tích công tác, thủ đoạn tinh vi của nhóm bị án Phạm Công Danh, bối cảnh khách quan của vụ án... để xin được hưởng án treo hoặc giảm nhẹ hình phạt.