Nguyên hiệu trưởng trường trung cấp nhận án tù 12 năm vì tham ô

Ngày 10/1, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Trường Trung cấp Thể dục Thể thao thành phố Cần Thơ do bị cáo Trần Trung Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Cần Thơ cùng các thuộc cấp thực hiện.

Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Cần Thơ (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ) từ cuối năm 2010 đến tháng 5/2013, vì tư lợi cá nhân, Trần Trung Dũng đã chỉ đạo cho Nguyễn Lang Thùy (thủ quỹ), Huỳnh Hữu Hậu (nhân viên điện nước) mua hóa đơn, lập khống chứng từ kế toàn để rút, chiếm đoạt từ ngân sách nhà nước và chiếm đoạt tiền thu sự nghiệp của trường. Tổng số tiền Trần Trung Dũng cùng đồng bọn chiếm dụng là hơn 240 triệu đồng.

Ngoài ra, Dũng thực hiện không đúng các quy định, quy chế về quản lý nhân sự, quản lý tài chính kế toán, không chỉ đạo, thiếu kiểm tra công tác tài chính dẫn đến bị mất cân đối, thất thoát nguồn thu sự nghiệp với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, phụ trách kế toán của trường Lê Ngọc Linh đã thiếu trách nhiệm trong công tác tài chính… gây thất thoát tổng cộng hơn 2 tỷ đồng.

Từ đó, Trần Trung Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Cần Thơ bị truy tố hai tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Huỳnh Hữu Hậu bị truy tố về tội tham ô tài sản; Lê Ngọc Linh bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng Nguyễn Lang Thùy do bị bệnh tâm thần nên quá trình điều tra đã bị bắt buộc đưa đi trị bệnh và sẽ xử lý sau.

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt theo hướng có lợi cho bị cáo phạm tội tham ô theo quy định tại Nghị quyết 144/2016 của Quốc hội và khoản 2 Điều 353 Bộ Luật hình sự 2015 có khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù thay vì áp dụng theo 3 Điều 278 Bộ Luật hình sự 1999 (có khung hình phạt từ 15 - 20 năm tù).

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, tuyên phạt Trần Trung Dũng tổng mức án 12 năm tù về 2 tội danh tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã đề nghị đổi tội danh từ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang tội này và được tòa chấp nhận). Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Huỳnh Hữu Hậu 2 năm tù về tội tham ô tài sản, Lê Ngọc Linh 2 năm tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

* Ngày 10/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên án phạt 12 năm tù đối với bị cáo Trần Thành Mạnh Huân (sinh năm 1988, trú tại Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a - Bộ luật hình sự.

Vụ án bắt nguồn từ việc tháng 3/2016, bà Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1954), chị Lê Thị Thanh Huyền (sinh năm 1988), chị Đỗ Hồng Vân (sinh năm 1987) cùng trú tại Hà Nội, gửi đơn đến Công an quận Ba Đình (Hà Nội) tố cáo Trần Thành Mạnh Huân đã nhận tiền, hứa hẹn xin cho cháu bà Nhung thi đỗ vào học tại 1 trường PTTH ở quận Ba Đình; xin chuyển công tác cho chị Vân sang 1 trường THCS cũng ở quận Ba Đình; xin thi đỗ vào biên chế cho chị Huyền vào làm việc tại 1 trường THCS ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi nhận tiền, Huân không thực hiện như đã cam kết, không trả tiền cho họ.

Quá trình điều tra, đã xác định: Bị cáo Huân nguyên là giáo viên môn Toán, trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) từ năm 2010 - 2016 thì nghỉ việc vì lý do sức khỏe.

Mặc dù không có khả năng trong việc xin vào biên chế, xin học, xin chuyển công tác nhưng với mục đích có tiền, Trần Mạnh Huân tự giới thiệu với những người có nhu cầu xin vào biên chế, xin học, xin chuyển công tác như nguyện vọng của người có nhu cầu phải nộp cho Huân số tiền từ 170 - 320 triệu đồng và cam kết trong thời hạn từ 3 - 5 tháng sẽ đạt được nguyện vọng, nếu không Huân sẽ trả lại số tiền đã nhận. Sau khi nhận tiền, Huân đã không thực hiện như cam kết, chiếm đoạt luôn số tiền đã nhận.

Cụ thể, Huân đã lừa bạn học là chị Huyền 200 triệu đồng. Nhận tiền của bạn, Huân không thực hiện thủ tục gì để xin cho chị Huyền vào biên chế như đã cam kết. Một người bạn học khác của Huân là chị Vân cũng bị Huân đã lừa số tiền 320 triệu đồng để xin chuyển công tác nhưng Huân đã không giúp gì được cho chị Vân.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhung đã từng thuê Huân làm gia sư dạy toán cho cháu bà Nhung. Đầu năm 2016, bà Nhung có nhu cầu xin cho cháu mình được vào học tại 1 trường PTTH ở quận Ba Đình. Huân nói với bà Nhung có quen biết với cán bộ làm việc ở Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội nên có thể xin học cho cháu bà Nhung với “chi phí” là 170 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Huân không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền để tiêu vào mục đích cá nhân và không có khả năng trả lại cho bị hại. Tổng cộng, Huân đã chiếm đoạt của 3 người bị hại với số tiền là 690 triệu đồng.


Thanh Sang và K.A (TTXVN)
Xét xử lưu động đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới
Xét xử lưu động đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới

Ngày 28/12, tại Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm 4 bị cáo về tội vận chuyển trái phép hơn 1,4 kg ma túy qua biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN