Nhằm hỗ trợ về điều kiện học tập, làm việc cho học sinh, giáo viên của các trường học trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tỉnh Kon Tum đã tổ chức bán hồ sơ dự thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho các trường học thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Theo đó, có 6 gói thầu được mở bán hồ sơ với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2016 và nguồn vốn sự nghiệp giáo dục - đào tạo tập trung từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên Sở bán hồ sơ dự thầu, có doanh nghiệp khi đến Sở Giáo dục và Đào tỉnh mua hồ sơ không được và còn bị hăm dọa.
Cụ thể, theo phản ánh của anh Phan Văn Bình, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bình Sơn (Quảng Ngãi): Ngày 17/4, anh Bình cùng anh Tuấn (Công ty Hoàng Vinh) đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum để mua hồ sơ dự thầu. Tại đây, anh Bình có gọi cho ông Lê Thanh Hùng (Phó phòng Kế hoạch Tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum) trao đổi công việc, ông Hùng hẹn là 11 giờ về.
Khi gặp, ông Hùng nói hồ sơ có 3 bộ đã bán hết. Tuy nhiên, theo anh Bình thì cả buổi sáng không thấy ai vào phòng ông Hùng để mua hồ sơ, phòng này khóa cửa ngoài. Sau đó, ông Hùng hẹn 16 giờ 30 cùng ngày quay lại bán hồ sơ. Ông Hùng có xin số điện thoại để liên hệ. Sau đó, có số điện thoại lạ (01647210609) gọi và đưa ra những lời đe dọa anh Bình với nội dung yêu cầu rời khỏi Kon Tum, nếu không sẽ xin vài ngón tay, nếu ở lại đến sáng mai thì xin cánh tay. Anh Bình khẳng định, từ đó anh bất an, rút lui, không dám mua hồ sơ. Theo anh Bình, chỉ mình ông Hùng là người anh cho số điện thoại để liên hệ khi lên mua hồ sơ ở Kon Tum.
Trước sự việc trên, làm việc với phóng viên, ông Lê Thanh Hùng thừa nhận có gặp anh Bình vào sáng thứ Hai (17/4). Ông Hùng cho biết: Khi gặp, anh Bình có đưa giấy giới thiệu mua hồ sơ. Tuy nhiên, đây là Công ty lạ, ông cần kiểm tra Công ty của anh Bình có nằm trong đăng ký trên mạng đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không, có nằm trong danh sách các nhà thầu vi phạm bị cấm đấu thầu không, nên mất thời gian.
Ông Hùng thừa nhận có xin số điện thoại của anh Bình và hẹn 16 giờ 30 cùng ngày quay lại để trao đổi thêm. Ông cũng thừa nhận mặc dù ngày đầu bán hồ sơ nhưng Sở không có hồ sơ bán. Nguyên nhân, do đơn vị tư vấn (được Sở thuê lập hồ sơ) có việc đột xuất đi Gia Lai nên chưa có hồ sơ. Về thông tin điện thoại đe dọa doanh nghiệp dự thầu, ông Hùng khẳng định: “Tôi bất ngờ vì trong ngành giáo dục anh em có bao giờ hành xử như vậy”.
Theo ông Hùng, tới chiều 20/4, có 21 nhà thầu đăng ký và có 18 nhà thầu mua hồ sơ cho 6 gói thầu. Số hồ sơ bán đúng bằng quy định (mỗi gói phải có ít nhất 3 nhà thầu tham gia đấu thầu).
Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum khẳng định: Việc mua bán hồ sơ dự thầu là công khai, các doanh nghiệp có nhu cầu Sở sẽ bán.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên trong tỉnh Kon Tum xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ém” hồ sơ dự thầu. Tỉnh cần chấn chỉnh sự việc trên để tạo sự minh bạch trong tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi.