“Nóng” chuyện đấu thầu giá thuốc

Trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ việc tiêu cực liên quan đến ngành Y thời gian qua, nên khi Quốc hội thảo luận quy định đấu thầu thuốc chữa bệnh nằm trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã trở thành vấn đề “nóng”, chiếm được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

 

Thực tế cho thấy, vấn đề chỉ định thầu và mua thuốc của các cơ sở y tế hiện nay có không ít bất cập và nếu không kịp thời chấn chỉnh nó sẽ để lại hậu quả thật khó lường. Bởi thuốc chữa bệnh không đơn thuần là sản phẩm hàng hóa thông thường, mà nó liên quan đến tính mạng con người. Theo quan điểm của Bộ Y tế, đấu thầu thuốc là nhằm đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh tình trạng thuốc đi vòng vo qua nhiều tầng lớp trung gian, làm giá thuốc đội lên. Tuy nhiên, việc đấu thầu giá thuốc thời gian gần đây, đã để lại không ít điều tiếng, bất cập, khiến dư luận chưa thật sự tin tưởng vào tính ưu việt của công tác này.

 

Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh, đấu giá xong thì giá lại cao hơn giá thị trường gấp nhiều lần. Đơn cử, cùng một loại thuốc, nhưng mỗi bệnh viện đấu thầu mỗi kiểu khiến thị trường thuốc rối tung rối mù, giá thành thuốc bị đẩy lên cao. Dễ thấy là tình trạng chênh lệch quá lớn về giá trúng thầu giữa các bệnh viện, dù cùng loại thuốc, cùng hoạt chất, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp.


Còn nhớ, vào thời điểm cuối năm 2012, dư luận rộ lên về kết quả đấu thầu giá thuốc tại một số bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, cùng dung dịch tiêm truyền Glucose 10% của Công ty Hóa dược phẩm Mekophar trúng thầu vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) là 9.000 đồng/chai, nhưng trúng thầu vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 là 9.270 đồng/chai. Hay thuốc tiêm Acyclovir 500mg (Acyclovir for Injection USP) do Benvenue (Mỹ) sản xuất trúng thầu vào Bệnh viện Nhi đồng 2 với giá 1.000.000 đồng/lọ, nhưng cũng loại thuốc này trúng thầu vào Bệnh viện Nhi đồng 1 là 1.100.000 đồng/lọ. Có nghĩa, cùng loại thuốc Acyclovir 500mg, nhưng giá lệch nhau tới 100.000 đồng/lọ…


Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng, nếu liệt kê cụ thể kết quả trúng thầu thuốc vào hơn 30 bệnh viện công lập tại TP Hồ Chí Minh sẽ còn hàng chục loại thuốc trúng thầu, lệch giá theo kiểu tương tự. Điều này cho thấy, người dân không chỉ mất những khoản tiền vô lý khi phải mua thuốc chữa bệnh, mà còn bỏ lỡ cơ hội được điều trị thuốc tốt. Một vấn đề khác cũng đáng lưu tâm, là một số loại thuốc trúng thầu với giá cao, nhưng hàm lượng lại không thông dụng. Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận, quá trình giám sát công tác đầu thầu, Bộ đã phát hiện một số trường hợp đưa vào đấu thầu một số loại thuốc có hàm lượng mới, không thông dụng, ít cạnh tranh nhằm mục đích nâng giá trúng thầu mà không lo bị phát hiện.


Vấn đề mà các chuyên gia y tế quan ngại là đấu thầu thuốc rất dễ nảy sinh cơ chế xin - cho. Thông thường, việc đấu thầu giá thuốc được thực hiện qua các bước: Bệnh viện lập danh mục thuốc đấu thầu trình lên hội đồng đấu thầu của sở y tế xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, quy trình này đã bộc lộ không ít kẽ hở, đồng thời tạo ra “chùm khế ngọt” để những kẻ vụ lợi đục khoét. Chỉ cần một chút thiếu khách quan của hội đồng đấu thầu, không chỉ người bệnh, mà cả xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN