Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật đấu thầu (sửa đổi), phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi bên lề Quốc hội với ông Lê Nam, Phó đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Thưa ông, trong Luật đấu thầu (sửa đổi) đã có quy trách nhiệm cụ thể trong việc công tác đấu thầu để từ đó xử lý các sai phạm?
Theo tôi, cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư bởi đây là đơn vị quản lý tài sản và tổ chức sản xuất kinh doanh. Điều này đồng nghĩa chủ đầu tư phải quản lý được nguồn vốn khi đấu thầu.
Trên thực tế, nguồn vốn của tư nhân, đơn vị nước ngoài rất ít thấy tiêu cực, ít thất thoát tài sản khi tổ chức đấu thầu; trong khi nguồn tiền của Nhà nước lại thất thoát trong quá trình đấu thầu từ trình tự đấu thầu phức tạp.
Chính sự phức tạp, khó khăn đó cũng đang sinh ra tiêu cực. Rồi lợi dụng sự sơ hở của luật, “quân xanh quân đỏ”, liên kết giữa người tổ chức thầu, chủ đầu tư, người có trách nhiệm liên quan và cả người tham gia đấu thầu trong vấn quá trình sử dụng vốn Nhà nước. Đó là những vấn đề bức xúc trong thời gian vừa qua. Điều này cũng gây khó khăn trong việc quy trách nhiệm, xử lý của cơ quan chức năng. Do đó, lần này quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi quy trách nhiệm chủ đầu tư để hạn chế vấn đề tiêu cực trên. Gốc rễ vẫn từ người quản lý tiền vốn, tài sản được giao tổ chức thực hiện đấu thầu và tài sản Nhà nước qua đấu thầu.
Có tình trạng rất nhiều dự án chỉ định thầu. Vậy theo ông có minh bạch không trong vấn đề này?
Việc chỉ định thầu cũng cần thiết nhưng chỉ dành cho trường hợp đặc biệt hoặc nguồn vốn không nhiều như làm dự án ở nông thôn mới. Dự án nguồn vốn không nhiều và lệ thuộc vào quá trình đấu thầu thì chỉ tốn kém thêm. Dư luận vừa rồi có nhiều dự án lớn chỉ định thầu trong khi không phải cấp bách để phòng chống thảm họa thiên tai mà đây chỉ là những dự án giao thông và dự án kinh tế bình thường. Điều này khiến cử tri nghi ngờ là đúng và theo Luật Đấu thầu mới, tình trạng này phải chấm dứt. Bên cạnh đó cần sự giám sát của Quốc hội để xem trách nhiệm đến đâu đối với những dự án triển khai sai với Luật này.
Thưa ông, có hiện trạng các đơn vị bỏ thầu giá rẻ và sau đó với nhiều lý do tăng thêm vốn, ông thấy sao về vấn đề này?
Bỏ thầu giá rẻ từ ý tưởng tiết kiệm và phát huy đồng vốn nhưng người ta lợi dụng vấn đề đó bởi lẽ do kéo dài thời gian, yếu tố trượt giá và yêu cầu hoàn thiện công trình đã đầu tư và thực tế cho thấy nhà quản lý dễ dàng chấp nhận nâng giá.
Bỏ thầu giá rẻ nguy hiểm ở chỗ đang mở đường đưa thiết bị kỹ thuật, công nghệ lạc hậu vào nước ta. Tôi đã đi giám sát một số công trình cho thấy phần lớn thiết bị đưa vào là lạc hậu, nguy cơ trở thành bãi thải cho các nước xung quanh chúng ta. Đây là nguy cơ mà chúng ta cần lên án và loại trừ. Luật có đề ra nhưng quan trọng theo tôi vẫn là người thực hiện và chủ đầu tư, đơn vị quản lý vốn Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Minh