Một công ty ra văn bản... hành chính cưỡng chế???

Trên Báo Tin tức Cuối tuần số 51, ra ngày 23/12/2011 có đăng bài “Thành phố Hồ Chí Minh: Cần xem xét lại việc bồi hoàn đất trực canh cho nông dân” đề cập việc Công ty TNHH Một thành viên An Phú (Công ty An Phú) đã đưa ra mức hỗ trợ quá thấp đối với 2 gia đình ông Lê Văn Hải (một gia đình có công với cách mạng, ngụ tại 154A, đường Lã Xuân Oai, khu phố 7, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) và ông Nguyễn Văn Còn (một nông dân liền kề).


Mức hỗ trợ của Công ty An Phú ban đầu đưa ra là 45.000 đồng/m2 và lần thứ hai là 90.000 đồng/m2 vào thời điểm tháng 1/2011, trong khi giá bồi hoàn cho người dân được tính theo giá thị trường thời điểm đó là từ 20 - 25 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí đất. Đặc biệt, khi quyền sở hữu đang bị tranh chấp, chưa được giải quyết dứt điểm thì ông Nguyễn Văn Khẩn, Phó Giám đốc Công ty An Phú đã cho một số đối tượng thuê mặt bằng để xây nhà trên phần đất đang tranh chấp…


Mặt khác, UBND quận 9 lại ra quyết định cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Đức Minh quyền sử dụng 485,96 m2 và ông Minh lấn chiếm thêm lên gần 2.000m2 ngay trên phần đất của dân đang khiếu nại với Công ty An Phú…


Dư luận cho rằng đất cấp cho Công ty An Phú năm 1993, nay UBND quận 9 lại ra quyết định cấp cho cá nhân mà Công ty An Phú lại làm ngơ, chứng tỏ ông Nguyễn Văn Khẩn, Phó Giám đốc Công ty An Phú có liên quan đến việc mờ ám này.


Văn bản Công ty An Phú ra thông báo cho hộ dân tự hạ cây để họ làm rào xây biệt thự.


Ông Lê Văn Hải, người có pháp nhân sở hữu trên 12.000m2 và ông Nguyễn Văn Còn sở hữu khoảng 2.000m2 đang bị các đối tượng lấn chiếm cũng không đồng ý với mức giá gọi là hỗ trợ, vì quá thấp.


Trong khi giá áp dụng tính thuế sử dụng đất của TP.HCM năm 2011 là 3.100.000 đồng/m2, còn giá thị trường là 20 - 25 triệu đồng/m2. Ông Lê Văn Hải cho biết: Khu đất trên do ông Đặng Văn Kiển (là bố vợ ông Lê Văn Hải) đứng tên. Ông Kiển là con trai một gia đình có truyền thống cách mạng, dòng họ tham gia kháng chiến, có người chị được Nhà nước truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là bà Đặng Thị Dĩ... Sau giải phóng, gia tộc họ Đặng vẫn canh tác bình thường trên mảnh đất này, người được gia tộc giao quyền canh tác là ông Đặng Văn Kiển. Năm 1993, Ban Quản lý ruộng đất Thành phố Hồ Chí Minh lấy hai phần đất nêu trên “công nhận” quyền sử dụng đất thuộc về Tổng Công ty ASC (nay là Công ty TNHH Một thành viên An Phú), với lý do đất này ông Kiển cho chế độ cũ thuê?


Đất đang tranh chấp ngang nhiên cho đối tượng lạ vào xây nhà.


Theo ông Lê Văn Hải và các văn bản chế độ cũ còn lại thì chỉ cho thuê hàng năm không phải cho thuê dài hạn. Và buộc phải cho chúng thuê vì gia đình cách mạng bị sức ép của chế độ ngụy, không cho chúng thuê thì khó bảo toàn tính mạng gia đình.


Mặt khác đất cho thuê khác với đất truất hữu, tức bán cho chế độ cũ… Và từ đó đến nay họ vẫn tiếp tục trực canh. Ông Hải cho rằng, việc ra văn bản không đúng sự thật về nguồn gốc đất dẫn đến ban hành các văn bản sai sự thật khiến khiếu kiện kéo dài. Ông Đặng Văn Kiển đã chết, chị ông là bà Đặng Thị Dĩ (Bà mẹ Việt nam Anh hùng) tiếp tục thay gia tộc họ Đặng vẫn khiếu kiện. Ông Lê Văn Hải được ủy quyền của cha vợ và gia tộc tiếp tục khiếu kiện liên tục gần 20 năm qua khi bà Dĩ là cô và cha vợ là ông Kiển qua đời.


Được biết, ngày 25/6 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản do Phó Văn phòng Nguyễn Huy Cường ký với nội dung chỉ đạo Công ty An Phú sớm giải quyết vụ việc này. Văn bản chỉ rõ: “Nếu nguồn gốc đất đúng như ông Lê Văn Hải nêu và là gia đình có công với cách mạng, được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, Công ty An Phú nên căn cứ chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng người có công với cách mạng để vận dụng, thỏa thuận mức đền bù thỏa đáng, bảo đảm cho gia đình ông Lê Văn Hải có nơi cư trú, sinh hoạt ổn định, lâu dài.


Không để tình trạng người dân bị thu hồi đất không vì mục đích xây dựng công trình công cộng, an ninh, quốc phòng… mà không thỏa thuận đền bù hợp lý, hợp tình, dù rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi đất trước khi có Luật Đất đai năm 2003. Ngoài ra, nếu diện tích đất gia đình ông Lê Văn Hải đang sử dụng có nguồn gốc đúng như “Đơn đề nghị” nêu và thuộc quy hoạch khu dân cư, hoặc có vị trí liền kề với khu dân cư quận 9 theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, Công ty An Phú nên cân nhắc việc có nên thu hồi diện tích đất này hay không?


Nếu nguồn gốc đất không đúng như ông Lê Văn Hải nêu, gia đình ông Hải không phải là gia đình có công với cách mạng, Công ty An Phú cũng phải xem xét lại mức hỗ trợ (mức 90.000 đồng/m2 là rất thấp), nên thỏa thuận mức hỗ trợ hợp lý để tạo điều kiện cho gia đình ông Hải có thể có được nơi cư trú mới, ổn định cuộc sống sau này...” Gia đình ông Lê Văn Hải và người dân đang trông chờ sự bồi hoàn thỏa đáng, thấu tình đạt lý của Công ty An Phú theo tinh thần chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng.


Tuy nhiên, ngày 18/7 vừa qua, Công ty An Phú lại có Thông báo số 137 yêu cầu hai hộ gia đình là ông Lê Văn Hải và Nguyễn Văn Còn phải tự thu hoạch cây trồng từ ngày 20/7 đến 10/8/2012, nếu không Công ty An Phú vẫn cho xây dựng hàng rào để chuẩn bị triển khai dự án khu biệt thự cao cấp cho thuê…


Một công ty kinh doanh ra văn bản thông báo thay cho chính quyền như một văn bản cưỡng chế hành chính là thật khó tin. Trong khi sự việc chưa được giải quyết thỏa đáng thì hai hộ dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều nơi kêu cứu.



Bài và ảnh:Trần Quốc TháiMai Nhã Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN