Môi trường làng nghề Yên Tiến ô nhiễm nghiêm trọng

Nhờ phát triển mạnh nghề thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp và làm đồ thờ, đời sống kinh tế của người dân xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, Nam Định) đã có những phát triển vượt bậc, đưa Yên Tiến trở thành một trong những xã có thu nhập dẫn đầu toàn huyện, là xã mạnh về kinh tế của toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh mặt được về kinh tế, người dân Yên Tiến đang phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường.

Hệ lụy từ làng nghề


Do nghề thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp thời gian qua phát triển mạnh, hầu hết người dân của 19 thôn trong xã Yên Tiến đều tham gia làm nghề cho dù năm 2010 và 2011 thị trường nhập khẩu mặt hàng này có suy giảm, nhưng đến nay trên địa bàn xã vẫn có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ, EU… Trong tổng số gần 3.200 hộ của Yên Tiến, có trên 2.000 hộ tham gia làm nghề thường xuyên, số còn lại làm nghề theo mùa vụ. Song nghề tre, nứa chắp đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, do công đoạn xử lý ngâm nguyên liệu tre, nứa trước khi đưa vào sản xuất. Ước tính, mỗi năm toàn xã sử dụng khoảng 70.000 tấn tre, nứa nguyên liệu. Để sản xuất ra thành phẩm, số lượng nguyên liệu này đều phải được xử lý thô bằng công đoạn bắt buộc là ngâm trong nước từ 2 đến 3 tháng. Do số lượng nguyên liệu quá lớn, nên toàn bộ những điểm có mặt nước của xã đều được người dân tận dụng để ngâm tre, nứa.

Nước trong kênh của xã Yên Tiến luôn đen kịt và bốc mùi hôi thối.


Ông Ngô Văn Ba - một hộ làm nghề ở thôn Đồng Tiến cho biết: “Vào trước đợt cao điểm xuất hàng, các hộ xếp lượt để được lấy phần mặt nước ngâm nguyên liệu, nhiều kênh tiêu phụ bị cạy nắp bêtông để thả tre, nứa xuống ngâm. Năm này qua năm khác, tất cả các vùng mặt nước của toàn xã Yên Tiến dần chuyển sang màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp toàn xã. Năm 2005, số liệu đo đạc của cơ quan chuyên môn tại các kênh, ao, hồ của Yên Tiến cho thấy, các thông số độc hại như BOD, COD, SS… đều vượt từ 5 đến 25 lần mức cho phép.


Hiện nay, do không có biện pháp xử lý, ngăn chặn nào, nên mức độ ô nhiễm còn cao hơn nhiều lần. Kết luận khoa học khẳng định nguồn nước mặt tại Yên Tiến không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác, kể cả tưới tiêu nông nghiệp. Chưa hết, do thời gian kéo dài, ô nhiễm đã ngấm từ ao, hồ xuống nước ngầm. Tất cả các giếng đào, giếng khoan, nguồn nước ngầm của Yên Tiến cũng đều có màu sẫm, vẩn và có mùi lạ. Biết vậy, nhưng vẫn phải dùng, vì đến nay mới chỉ có nửa xã miền trên được tiếp nhận nguồn nước máy từ Nhà máy Nước Ý Yên, lượng nước vẫn chưa đảm bảo nhu cầu các hộ. Nửa xã vẫn phải dùng nước mưa, nước giếng lọc để sinh hoạt. Đến kỳ hội làng, mỗi năm có tục lệ rước nước, các thôn đều phải lên giếng làng xin nước về rước, vì không tìm đâu ra chỗ nào còn nước sạch...


Bất lực trước tình trạng ô nhiễm


Vào mùa hè, mức độ ô nhiễm càng trầm trọng, do nhiệt độ cao hoặc mưa lớn làm lan rộng, khuếch đại mùi hôi thối từ các ao hồ, kênh mương bao phủ khắp làng. Đây là thực trạng tồn tại từ nhiều năm nay tại xã Yên Tiến, nhưng đến nay chưa hề được xử lý, khắc phục, không chỉ gây ra những hệ lụy trực tiếp trong cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của trên 13.000 dân toàn xã, mà còn ảnh hưởng đến cả các địa phương lân cận.


Bên cạnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, các chỉ số về bụi, tiếng ồn của Yên Tiến đều vượt quá mức cho phép. Vài năm gần đây, do thị trường xuất khẩu khó khăn hơn, một số hộ trong xã chuyển hướng sang sản xuất đồ thờ. Môi trường làng nghề Yên Tiến lại tiếp nhận thêm một tác nhân gây ô nhiễm từ sơn PU với chất dung môi acetol gây bệnh trực tiếp cho đường hô hấp. Đáng nói là hàng chục năm trôi qua, dù nhận thức rõ về sự ô nhiễm này, nhưng xã Yên Tiến chưa có biện pháp đáng kể gì khắc phục. Năm 2005, không ít người dân Yên Tiến khấp khởi mừng khi nghe tin UBND xã sẽ triển khai dự án trị giá trên 4,5 tỷ đồng về xây dựng khu vực ngâm tre nứa tập trung và triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước ngâm tre nứa. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ được xây dựng xong về lý thuyết. Ông Ngô Văn Hùng - cán bộ địa chính, môi trường của xã, cho biết lý do không thực hiện được dự án vì “không có đủ quỹ đất công”. Theo tính toán, diện tích đất cần để triển khai khu ngâm tre nứa nguyên liệu tập trung lên tới 50 ha, bằng hơn 5% tổng quỹ đất toàn xã, nên không thể triển khai được. Bên cạnh đó, do kinh phí để xử lý tại chỗ ô nhiễm nguồn nước ngâm tre nứa bằng công nghệ là quá cao, đội giá đầu vào sản phẩm tăng gần 30%, nên giải pháp xử lý ô nhiễm từ các hộ, cơ sở sản xuất cũng thất bại.


Hậu quả từ ô nhiễm đã thể hiện ngày càng nặng nề trong đời sống của cư dân địa phương. Ông Bùi Sỹ Đăng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Tiến cho biết: “Tác động của ô nhiễm môi trường với Yên Tiến ngày càng đáng lo ngại. Tỷ lệ các bệnh về phổi, ngoài da, bệnh tiêu hóa, bệnh mắt tăng cao. Năm 2011, tỷ lệ mắt hột hoạt tính trong học sinh là 1,28%. Đặc biệt, chỉ số bệnh ung thư là đáng lo ngại nhất, năm nào cũng có vài trường hợp tử vong vì ung thư. Riêng năm 2011, xã có tới 11 người chết do ung thư”. Cùng với bệnh tật, nguồn nước của các kênh tưới tiêu bị ô nhiễm đang gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Thậm chí, người dân của xã lân cận như Yên Ninh, Yên Bằng, Yên Quang… cũng phản ánh ô nhiễm kênh S40-48 đang gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các xã này.


Làng nghề đã đem lại thu nhập cao cho người dân Yên Tiến, song chất lượng cuộc sống của họ đang bị ảnh hưởng do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thiết nghĩ, chính quyền cũng như các ban, ngành chức năng huyện Ý Yên nói chung và xã Yên Tiến nói riêng, cần phải có một quy hoạch tổng thể hợp lý cho phát triển làng nghề bền vững, để cuộc sống của người dân hôm nay cũng như các thế hệ tương lai của địa phương không còn phải lo lắng về môi trường.


Nguyễn Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN