Trước đó, phiên tòa sơ thẩm được mở vào ngày 15/9/2019 nhưng phải hoãn vì vắng mặt tới 76 nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa hôm nay (15/10), Tòa tiếp tục triệu tập 48 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó phần lớn là phụ huynh có con được nâng điểm. Tòa cũng triệu tập 43 người làm chứng là các lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và một số cơ quan khác.
Trong phiên xét xử sáng 15/10, sau phần kiểm tra căn cước, lý lịch tại tòa, chỉ có 6/48 người có nghĩa vụ liên quan có mặt, 27/43 người làm chứng có mặt. Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La tiếp tục vắng mặt.
Trước sự vắng mặt của người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng, không ảnh hưởng đến phiên tòa vì hồ sơ vụ án đã có lời khai của những người liên quan. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị làm rõ sự vắng mặt của ông Hoàng Tiến Đức, nếu không có lý do bất khả kháng thì cần thực hiện biện pháp áp giải đến tòa.
Sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La quyết định tiếp tục phiên tòa. Ông Hoàng Tiến Đức có đơn xin vắng mặt có lý do chính đáng, Hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai tại phiên tòa. Ngoài ra, Tòa sẽ áp dụng biện pháp dẫn giải với 6 người làm chứng vắng mặt khi cần thiết gồm: Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên; Lê Minh Loan, cán bộ Công an đã nghỉ hưu; Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La; Nguyễn Văn Hải, trú tại huyện Mai Sơn; Ngần Văn Lói, trú tại huyện Vân Hồ; Phạm Phương Loan, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Sơn La.
Sáng 15/10, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua cáo trạng vụ án. Theo đó, vụ án này có 6 bị cáo được đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên cán bộ Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục); Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục); Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu); Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo) và Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Ngoài ra, 2 bị cáo được đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm: Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng), Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La nêu rõ, với tài liệu, chứng cứ tại hồ sơ đủ căn cứ chứng minh tại Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, các bị cáo Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Đinh Hải Sơn, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao với động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác (vì mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) câu kết với nhau thực hiện hành vi rút bài thi trắc nghiệm sửa, nâng điểm; in khóa phách vòng 1 và vòng 2 để nâng điểm cho 44 thí sinh.
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, 4 bị cáo khai nhận đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài, nâng điểm cho thí sinh. Theo đó, Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận 1 tỷ 40 triệu đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh và đã nộp lại 1 tỷ đồng. Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh, số tiền này đã nộp lại cho Cơ quan điều tra. Bị cáo Lò Văn Huynh khai đã nhận 1 tỷ đồng để nâng điểm cho 2 thí sinh, sau đó đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra. Bị cáo Đặng Hữu Thủy khai đã nhận 500 triệu đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh, sau đó Thủy đã trả lại cho gia đình các thí sinh.
Hành vi thỏa thuận nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của 4 bị cáo nêu trên có dấu hiệu của các tội: Nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Nhưng theo kết quả điều tra, những người đưa tiền đều không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho các bị cáo. Ngoài lời khai của 4 bị cáo và số tiền đã nộp Cơ quan điều tra, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh, do đó không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những bị cáo này về tội nhận hối lộ; tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Số tiền 4 bị cáo nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có.
Cáo trạng cũng nêu rõ, 18 người nhận thông tin từ người nhà các thí sinh hoặc thông qua người khác rồi chuyển cho các bị cáo. Cụ thể: Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La (nhận 8 thí sinh); Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La (nhận 10 thí sinh bao gồm cả con gái); Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La (nhận 5 thí sinh)…
Bên cạnh đó, 27 đối tượng là cha, mẹ hoặc người thân của thí sinh thừa nhận chuyển thông tin nhờ "xem điểm" như: Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La; Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La; Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La… Ngoài ra, 11 thí sinh khai nhận trực tiếp liên hệ chuyển thông tin với mục đích "nhờ xem điểm".
Dự kiến, phiên tòa diễn ra đến ngày 19/10.