Luật sư dởm... vào tù

Trong 2 ngày 24 và 25/11, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Đình Chuyên (sinh năm 1954, ngụ ấp Xây Đá, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu liên quan cho thấy, bị cáo Chuyên tự xưng mình là Luật sư để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục người, gây biết bao khó khăn cho gia đình họ. Không những vậy, khi bị bắt, bị cáo còn không tỏ ra ăn năn hối lỗi mà cố tình phủ nhận mọi tội trạng của mình. Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Đình Chuyên 14 năm tù.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước, Lê Đình Chuyên tự nhận là người nghiên cứu khoa học pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Từ năm 2002 đến nay, Chuyên là lao động tự do, trợ giúp pháp lý cá nhân. Khoảng tháng 9/2008, Chuyên làm quen với anh Điểu Ber (sinh năm 1970, ngụ thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) và biết được bà con dân tộc ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng đang khiếu nại UBND tỉnh Bình Phước thu hồi đất lâm nghiệp do họ xâm canh, lấn chiếm trái phép để làm rẫy. Chuyên tự giới thiệu với Ber mình là Luật sư, đưa danh thiếp, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cho Điểu Ber và hứa sẽ làm thủ tục giấy tờ, giúp bà con coon đòi lại đất. Cuối tháng 5/2009, Điểu Ber dẫn Điểu Nhâm và vợ là Thị Giá cùng Điểu Lớp (cả 3 cùng ngụ thôn 4, xã Đồng Nai) đến nhà Chuyên cung cấp các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại.

Khi đã nhận 40 triệu đồng của Nhâm và hứa sẽ đòi lại đất cho Nhâm và 22 hộ dân khác, vị Luật sư “dởm” lại tiếp tục nhiều lần yêu cầu Nhâm đưa thêm tiền với lý do làm thủ tục, chi phí đi lại không đủ, nếu không đưa thêm thì sẽ không đòi lại được đất và không trả lại tiền đã nhận. Vì sợ không đòi lại được đất mà còn bị mất tiền cọc, nên Nhâm tiếp tục đi vay của nhiều người để đưa cho Chuyên tổng cộng 7 lần với tổng số tiền là 252 triệu đồng. Thấy Chuyên nhiều lần đòi tiền mà không làm được gì, vợ chồng Điểu Nhâm đã nghi ngờ nên đã làm đơn tố cáo và báo tin cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước hành vi lừa đảo của Chuyên.

Tháng 4/2009, Chuyên gặp và giới thiệu với bà Trương Thị Thái (47 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) mình là Luật sư đang đi khiếu nại đòi đất cho một số người dân và đề nghị “giúp đỡ” đòi lại đất cho bà Thái. Đến ngày 15/5/2009, Chuyên ký hợp đồng đòi lại đất cho ông Vũ Văn Châu (chồng bà Thái), ông Lịch và bà Nhặt (cả 2 cùng bị thu hồi đất với ông Châu) với giá 120 triệu đồng (đưa trước 30 triệu đồng) với điều kiện Chuyên sẽ đòi lại được đất trong năm 2009. Tiếp đó, ngày 11/6/2009, Chuyên tiếp tục đi cùng với một số nhà báo đến chụp hình khu vực đất của 3 hộ bị thu hồi và yêu cầu ông Châu đưa 10 triệu đồng để đưa cho nhà báo.


Giữa tháng 5/2009, Chuyên đã lừa của 29 hộ dân ở thôn Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, trong vụ khiếu nại đất ở Ban quản lý rừng phòng hộ Bom Bo với tổng số tiền 403 triệu đồng. Lớn nhất là các hộ K’Rang 244 triệu đồng, Điểu P’Lớ 61 triệu đồng, Điểu M’Lâng 73 triệu đồng…

Theo điều tra của cơ quan công an, trong thời gian từ tháng 4/2009 đến năm 2010, Chuyên đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 50 hộ dân với tổng số tiền lên tới 695 triệu đồng. Nhận thấy, đây là một vụ án có dấu hiệu lừa đảo, ngày 24/5/2010, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Phước đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Đình Chuyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa, Lê Đình Chuyên chỉ thừa nhận là người bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân và một mực phủ nhận mình tự giới thiệu là luật sư, không hứa đòi lại đất cho họ và chỉ hứa sẽ lập thủ tục pháp lý gửi đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết theo pháp luật và theo từng giai đoạn, làm đến đâu nhận tiền đến đó; nghĩa vụ chấm dứt khi các cơ quan Trung ương có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước giải quyết; căn cứ vào kết quả giải quyết nếu họ nhờ làm tiếp thì Chuyên làm, nhưng phải có tiền.

Viện KSND tỉnh Bình Phước cho rằng, bị cáo Chuyên hiểu và biết rõ chủ trương thu hồi đất của UBND tỉnh Bình Phước là đúng, đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nên không có căn cứ để khiếu nại tiếp. Tuy nhiên, Chuyên đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tự nhận là Luật sư và nói dối là dễ đòi lại được dất để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt của các hộ dân nói trên số tiền 695 triệu đồng. Đại diện Viện KSND khẳng định, thực chất Chuyên chỉ là người đi gửi đơn giúp mà không đòi lại được đất cho ai. Ngoài ra, tại tỉnh Đắk Nông, Chuyên cũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức và thủ đoạn tương tự.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN