Ngày 2/7, sau 3 ngày xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án tù chung thân đối với Trương Vui (62 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp - Upexim) về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". 3 đồng phạm còn lại bị Hội đồng xét xử tuyên từ 3 năm đến 10 năm tù.
Hội đồng xét xử nhận định, lời khai các bị cáo tại tòa phù hợp với khai và chứng cứ tại hồ sơ, vì vậy đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo Trương Vui đã dùng tài sản là khu "đất vàng" số 4 – 6 Hồ Tùng Mậu (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) lừa bán, thế chấp cho nhiều tổ chức.
Tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Biên Hòa - Bihimex, Trương Vui đã cấu kết với Tống Thị Bích Loan (cựu Giám đốc Công ty Bihimex) và 2 cấp dưới tại Bihimex cố ý lập hợp đồng khống để chiếm đoạt của Bihimex hơn 144,5 tỉ đồng. Ngoài ra, Trương Vui gian dối lừa bán nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu chiếm đoạt 120 tỉ đồng của Công ty Kim Cương Xanh; thế chấp vay của Ngân hàng Agribank chi nhánh Sài Gòn 110 tỉ đồng nhưng không thông báo cho các bên biết thực trạng căn nhà có đồng sở hữu. Sau khi ngân hàng giải ngân hợp đồng tín dụng, Trương Vui mất khả năng trả nợ.
Về trách nhiệm dân sự trong vụ án, Hội đồng xét xử tuyên buộc Trương Vui bồi thường toàn bộ. Cụ thể, tuyên Upexim phải bồi hoàn lại 72,2 tỉ đồng cho Trương Vui; Trương Vui bồi thường 24 tỉ đồng cho Tradeco, nhưng cũng chính Upexim phải bồi hoàn lại cho Trương Vui 24 tỉ đồng; Trương Vui bồi thường cho Agribank chi nhánh Quận 1 gần 7 tỉ đồng và Upexim phải bồi hoàn lại gần 7 tỉ đồng cho Trương Vui.
Lý do Upexim bồi hoàn cho Trương Vui, theo Hội đồng xét xử, Trương Vui dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, nhưng sau khi chiếm đoạt, đa số được nhập quỹ, hạch toán và ghi nhận trên sổ sách kế toán của Upexim, cũng như chi cho hoạt động của Upexim nên cần buộc Upexim phải bồi hoàn lại cho Trương Vui để bị cáo bồi thường lại cho bên bị hại.
Đối với hành vi gây thiệt hại hơn 144,5 tỉ đồng cho Bihimex, Hội đồng xét xử buộc Trương Vui và Upexim liên đới bồi thường theo tỷ lệ 50% - 50% cho Bihimex. Tòa xác định Trương Vui là người chỉ đạo việc thực hiện các hợp đồng khống và tiền từ các hợp đồng đều được Bihimex chuyển trực tiếp vào tài khoản của Upexim. Còn quan hệ tranh chấp giữa bị cáo Trương Vui và Upexim liên quan đến việc Trương Vui chỉ đạo chi sử dụng tiền của Upexim trong thời gian Trương Vui làm lãnh đạo Upexim là một quan hệ pháp luật khác không xem xét giải quyết trong vụ án này.
Liên quan tới tài sản là khu "đất vàng" số 4-6 Hồ Tùng Mậu, giữa Upexim và Công ty cổ phần đầu tư thương mại - Tradeco có hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư mua nhà đất 4 - 6 Hồ Tùng Mậu, cũng như xây dựng và khai thác tài sản. Hội đồng xét xử đánh giá, thực tế Tradeco đã thực hiện nghĩa vụ góp 60 tỉ đồng (tương đương 50% giá trị nhà đất), và Upexim đã nhận tiền. Vì vậy, nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu có 50% giá trị của Tradeco, nhưng Trương Vui đã sử dụng toàn bộ tài sản này làm công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, 50% giá trị thuộc Tradeco có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của Trương Vui, cũng là vật chứng của vụ án nên phải giải quyết trong vụ án này.
Hội đồng xét xử tuyên giao 50% giá trị tài sản nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu cho Tradeco. 50% còn lại là của Upexim nhưng Upexim còn có nghĩa vụ hoàn trả, bồi thường trong vụ án và thế chấp tài sản này tại Agribank Chi nhánh Sài Gòn, nên Hội đồng xét xử tuyên cần tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Đối với kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu làm rõ việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh bán chỉ định nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu có đúng quy định, và có gây thất thoát cho nhà nước hay không, Hội đồng xêt xử đã không chấp nhận