Theo đó, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tại các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa đã phát hiện 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Các giấy tờ giả này được một số người dân phát hiện, trình báo khi mua bán, sang nhượng đất hoặc được một số chi nhánh phát hiện ra trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp. Ngay sau khi phát hiện, người dân báo công an xử lý nên chưa xảy ra hậu quả từ giao dịch mua bán, cầm cố “sổ đỏ” giả.
Tuy nhiên, theo ông Lê Duy Tú, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đắk Nông, tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần đây diễn ra khá phức tạp. Một số người dân có thói quen cầm cố, mua bán đất theo kiểu “sang tay”, không thực hiện đầy đủ thủ tục với cơ quan chức năng theo quy định nên rất dễ trở thành nạn nhân. Ngoài ra, việc thực hiện nhanh các thủ tục như mua bán, cho tặng, thế chấp vay vốn ngân hàng, công chứng… khiến một số Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị để “lọt” sổ đỏ giả.
Cũng theo ông Lê Duy Tú, sau khi phát hiện một số trường hợp “sổ đỏ” giả, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông thông báo rộng rãi đến các đơn vị liên quan, cũng như người dân (thông qua phương tiện thông tin đại chúng) cẩn trọng đề phòng việc này.
Theo đó, Sở nêu rõ một số khác biệt giữa “sổ đỏ” thật và “sổ đỏ” giả như độ dày, màu sắc, con dấu… Khi phát hiện “sổ đỏ” giả, các cơ quan, đơn vị, cá nhân cần báo ngay cho công an và Văn phòng Đăng ký đất đai, chính quyền địa phương gần nhất. Để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, các văn phòng công chứng, tổ chức tín dụng và đơn vị liên quan cần thực hiện đầy đủ, chặt chẽ thủ tục thẩm tra, báo cáo theo quy định.