Lâm Đồng:Người dân mòn mỏi chờ nước sạch

Dù được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng công trình cung cấp nước sạch cho nhiều xã tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay. Hàng trăm hộ dân hiện lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt...

Chưa một lần có nước

Mặc dù sống ngay dưới công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thôn 2 (xã Tân Thượng, Di Linh), nhưng nhiều năm nay, gia đình chị Ka Kành vẫn phải đi xin nước hàng xóm về dùng.

Công trình nước sạch khô khốc.


Cứ đến mùa khô, mỗi ngày gia đình chị phải đi xách nước một lần dùng để nấu nướng, còn tắm giặt thì tranh thủ tại chỗ. Trong khi đó, giếng nước khoan sâu hàng trăm mét thuộc chương trình nước sạch 134 vẫn phủ bụi và khô khốc. Theo lời chị Ka Kành, từ khi xây dựng xong đến nay “nó” vẫn chưa một lần có nước.

Theo tìm hiểu, giếng nước khoan này được xây dựng xong vào tháng 8/2008, chủ đầu tư là UBND huyện Di Linh, nguồn vốn từ chương trình 134, với công suất đủ cung cấp nước sạch cho gần 50 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên trên thực tế, công trình này vẫn chưa phát huy hiệu quả để đem lại nguồn nước sạch cho người dân. Chị Ka Kành bức xúc: “Chính gia đình tôi đã hiến đất để xây dựng giếng nước này nhưng nó không có nước”.

Cũng nằm trong chương trình cung cấp nước sạch này, giếng nước khoan ngay cạnh trụ sở UBND xã Tân Thượng, cung cấp nước cho người dân thôn 3, cũng đã ngừng hoạt động. Nhiều người dân trong vùng phải tự đào giếng và đến mùa khô hết nước, họ phải đi xin nước về dùng. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay và không biết đến khi nào, công trình nước sạch kia mới tuôn chảy. Một người dân ở gần công trình này phản ánh: “Nhà tôi được lắp vòi nước, nhưng chưa khi nào thấy có nước nên phải dùng nước giếng đào. Nếu có nước dùng và phải đóng tiền thì gia đình tôi cũng chấp nhận, vì mùa khô phải đi xin nước rất vất vả”.

Do… điện yếu?

Các xã khác như Tân Nghĩa, Sơn Điền trên địa bàn huyện Di Linh cũng lâm vào tình trạng tương tự. Hầu hết các giếng nước sạch đã hư hỏng, ngừng hoạt động từ nhiều năm nay. Trao đổi với chúng tôi, ông K’Brel - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng cho biết: “Lý do các giếng nước của xã không hoạt động là do điện quá yếu”.

Theo tìm hiểu, từ nguồn vốn của chương trình 134, huyện Di Linh đã triển khai xây dựng 19 giếng khoan cho người dân các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo thiết kế, mỗi giếng nước được khoan sâu 100 m, cung cấp nước sạch cho khoảng 50 hộ dân trong vùng. Kinh phí đầu tư một giếng nước gồm chi phí khoan giếng, máy bơm, hệ thống đường ống dẫn, đồng hồ… vào khoảng 800 triệu đồng. Trong tổng số 19 giếng khoan cung cấp nước cho người dân 10 xã thì có… 11 giếng không hoạt động được.

Ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: Nguyên nhân của tình trạng này là do một số công trình giếng nước bị hư hỏng và nguồn điện quá yếu, người dân không chịu nộp tiền điện để chạy máy bơm, nên tạm thời các giếng nước này không hoạt động (các giếng nước do người dân tự quản, tự thu tiền đều duy trì hoạt động - PV).

Ông Phú lý giải: “Lý do các công trình ngừng hoạt động nhiều năm nay là trước đó huyện đã để người dân tự quyên góp tiền sửa chữa các công trình bị hư hỏng, nhưng các xã đều không thực hiện được. Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra, thống kê mức độ hư hỏng để tiến hành hỗ trợ các xã sửa chữa từ nguồn kinh phí của địa phương”. Dù vì lý do nào, hiện tại người dân các xã của huyện Di Linh vẫn đang mòn mỏi chờ nước sạch. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền nên sớm vào cuộc, để giải quyết khó khăn này cho người dân nơi đây.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN