Lạ lùng một dự án “phá rừng - làm ruộng”

Cho đến thời điểm này, gần 20 ha rừng tái sinh ở bản Huổi Chỏn, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng, Điện Biên) đã “cơ bản” được phá xong. Công trình thủy lợi dẫn nước về khu vực này đã hoàn thành dù... chưa có nước.

 

Sau khi "đánh vật" gần 1 giờ trên con đường đất bụi mù, chúng tôi đến được bản Huổi Chỏn vào giữa trưa. Một cảnh tượng đáng buồn hiện ra trước mắt nhóm phóng viên: cả một bãi trống mênh mông, ngổn ngang hàng ngàn gốc cây đã được cưa sát đất, cùng những cành, ngọn cây khô mục chưa được dọn hết. Theo quan sát của chúng tôi, những gốc cây được đốn hạ trung bình đều có đường kính từ 30 - 40 cm, có gốc tới 50 - 70 cm. Nơi đây đang thực hiện dự án chuyển đổi đất rừng sang khai hoang ruộng nước. Để minh chứng cho sự hiện diện của dự án này, trưởng bản Hờ A Páo chỉ cho chúng tôi xem chiếc bể xả cuối nguồn khô cong và nói rằng nước từ đây sẽ chảy về nếu sau này ở đây có ruộng.

 

Trưởng bản Hờ A Páo bên cánh rừng Huổi Chỏn bị chặt trụi để khai hoang ruộng nước.


Bản Huổi Chỏn với 50 hộ dân, trên 300 nhân khẩu người dân tộc Mông sinh sống. Có tới 42 hộ thuộc diện đói nghèo, Huổi Chỏn được xếp vào những bản nghèo nhất nhì của xã Ẳng Tở do thiếu đất canh tác. Để khắc phục tình trạng này, bản đã được xây dựng dự án chuyển đổi đất rừng nghèo, xây dựng công trình thủy lợi dẫn nước về để khai hoang gần 10 ha ruộng. Trên thực tế thì Ban quản lý dự án huyện đại diện cho chủ đầu tư là UBND huyện Mường Ảng đã thực hiện mọi thủ tục từ lập quy hoạch, phương án chuyển đổi đất, đấu thầu thanh lý rừng... theo đúng thủ tục. Tuy nhiên, để khai hoang gần 10 ha ruộng nước, người ta đã phải “phá” tới 19,2 ha rừng thuộc nhóm giữa 1c và 2a và hiện tại đã “phá” xong 17 ha rừng. Đến ngày 25/11/2013, 50 hộ dân trong bản đã được chia đất trên thực địa với tổng số diện tích 9,8 ha.


Trưởng bản Hờ A Páo cho biết: Diện tích này vốn là khu rừng tái sinh tốt nhất của bản, đã khoanh nuôi trên 20 năm qua. Hiện cả bản mới có 6 ha ruộng nước, nên khi nghe tin có dự án khai hoang ruộng ở đây, dân bản mừng lắm. Ban quản lý dự án đã làm sẵn các thủ tục, có cả đơn xin khai hoang ruộng nước của người dân, dân bản chỉ việc ký. Thế nhưng, khi thấy doanh nghiệp vào xây dựng công trình thủy lợi, nhiều người bảo cái ống nước bé tý thế kia thì làm sao dẫn được nước cho đủ. Rồi lại thấy người ta vào đây phá cả đám rừng lớn thế, dân bản đã thắc mắc là nước tưới được bao nhiêu thì phá bấy nhiêu rừng thôi, sao lại phải phá nhiều rừng thế, phá hết rừng đi thì sau này suối làm gì có nước mà tưới cho ruộng.

Từ ngày công trình thủy lợi làm xong năm 2013, chỉ mùa mưa nước mới chảy đầy ống, còn mùa này thì chảy bé không đủ nước tưới cho cả bãi này. Trước đây, cán bộ bảo sẽ cho máy vào khai hoang ruộng cho bà con, nay lại bảo làm bằng máy thì hỏng hết đất, để bà con tự khai hoang lấy. “Đất rừng chỗ cao chỗ thấp, nếu tự khai hoang thì làm sao đưa nước lên được chỗ cao. Bà con tự khai hoang cũng được, nhưng ít nhất Nhà nước cũng nhổ giúp gốc cây đi chứ. Nếu cứ để thế này, dù được chia đất, dân bản cũng để trồng ngô, trồng sắn thôi chứ không khai hoang được ruộng nước đâu”, trưởng bản Hờ A Páo khẳng định.


Làm việc với Phòng Nông nghiệp và Ban quản lý dự án huyện Mường Ảng, chúng tôi cũng chẳng được cung cấp thêm bao nhiêu thông tin, vì những người đứng ra làm việc đều lấy lý do là mới về phụ trách phòng, hoặc không trực tiếp giám sát dự án này. Chỉ được biết công trình thủy lợi trên có tổng mức đầu tư trên 6,67 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a của Chính phủ vào năm 2010, hoàn thành vào năm 2011 với mục tiêu đặt ra là đảm bảo cung cấp nước tưới cho 30 ha lúa vụ mùa và 10 ha lúa vụ chiêm. Nguồn nước được dẫn từ suối Huổi Chỏn, trong đó có 2.840 m kênh và 480 m ống dẫn.


Thế nhưng ông Lò Văn Thăng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng thừa nhận: Công trình thủy lợi này chỉ cung cấp đủ nước cho khoảng 8 ha ruộng, chứ không thể cung cấp đủ cho cả bãi rừng đã phá. Huổi Chỏn cũng là dự án duy nhất trong 12 dự án của huyện trong năm 2010 - 2011, được xây dựng công trình thủy lợi khi chưa có bãi tưới. Trước mắt, phòng sẽ hướng dẫn nhân dân cách khai hoang từ từ, có nghĩa là những vụ đầu sẽ trồng đậu tương, ngô, sau đó một thời gian mới có thể đưa vào trồng lúa.


Như vậy rõ ràng, cả những người làm công tác quản lý cũng còn hoài nghi về hiệu quả của dự án này, nói gì đến người dân địa phương. Nếu dự án đã không đạt hiệu quả như mục tiêu thiết kế đặt ra, thì liệu có phải chủ đầu tư đã cố “làm cho có dự án”, và rừng Huổi Chỏn đã bị “phá oan” hay không?

Bài và ảnh:Chu Quốc Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN