Kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Tân Sửu

Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

* Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Đội Quản lý Y tế và An toàn thực phẩm, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Cần Thơ) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ) vừa kiểm tra và phát hơn 100 kg mì tươi (mì sợi sống) có chứa hàn the tại một cơ sở tại quận Ninh Kiều.

Chú thích ảnh
Lực lực chức năng thu giữ mì tươi chứa hàn the. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh, phân phối mì tươi có địa chỉ cạnh số 132/15, Đường 3/2 (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) của ông Bùi Tiến (41 tuổi, trú tại xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), lực lượng chức năng phát hiện tại đây hơn 100 kg mì tươi nhưng chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không hóa đơn chứng từ và các giấy tờ có liên quan. Kết quả test nhanh cho thấy, hơn 100 kg mì tươi trên cho kết quả dương tính với hàn the. 
 
Đoàn kiểm tra đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ số mì tươi nói trên, tiến hành giám định để xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
Tiếp tục thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Cần Thơ thành lập các đoàn kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết, an toàn thực phẩm, các quy định về quản lý giá, triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý. Các lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh - trật tự và các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.

* Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người dân vui Xuân, đón Tết.

Theo quyền Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang Nguyễn Minh Hùng, Chi cục triển khai kế hoạch thanh tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2021 từ ngày 25/1 đến ngày 5/3, tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều dịp Tết nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol. Trong quá trình thanh tra, lực lượng liên ngành kết hợp phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Đặc biệt, hoạt động thanh tra bảo đảm tuân thủ tuyệt đối về phòng, chống dịch COVID-19.
 
Đối tượng thanh tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phụ gia thực phẩm... Đoàn thanh tra liên ngành tuyến tỉnh tập trung thanh tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc tuyến tỉnh quản lý. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do tuyến xã, huyện, thành phố quản lý chủ yếu là do cấp xã, huyện, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra. 
 
Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phải thực hiện đúng quy định về: hồ sơ tự công bố, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ; ghi nhãn sản phẩm thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa… Cơ sở dịch vụ ăn uống cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm bao gồm cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, việc sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật dùng cho chế biến thực phẩm...
 
Ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh, đoàn thanh tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm được tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện biện pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài việc xử lý trực tiếp, đoàn thanh tra còn chuyển hồ sơ vi phạm cho địa phương, nơi có cơ sở được thanh tra để xử lý theo quy định.

Thanh Liêm, Hồng Đạt (TTXVN)
Phát hiện cơ sở chế biến chuối có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm
Phát hiện cơ sở chế biến chuối có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 22/1, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang làm rõ vụ việc có liên quan đến một điểm thu hoạch, chế biến nông sản tại xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, có dấu hiệu nghi vấn vi phạm an toàn thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN