Kiểm tra hoạt động taxi tại TP.HCM:Có đi vào nề nếp?

Hàng loạt vụ thanh tra, xử phạt, rút giấy phép các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM cho thấy quyết tâm chấn chỉnh lại hoạt động đối với loại hình giao thông này. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là sau đợt ra quân của cơ quan chức năng, liệu hoạt động taxi có đúng quy định, đi vào nề nềp và lấy lại được niềm tin của khách hàng.

Mặc dù chưa kết thúc, nhưng đợt thanh tra của Bộ GTVT TP.HCM đối với các hãng taxi trên địa bàn TP.HCM đã phát hiện nhiều vi phạm cơ bản của các hãng taxi. Sau khi đã đình chỉ hai hãng taxi dạng “nhà vườn” là Hợp tác xã dịch vụ vận tải du lịch số 2, Hợp tác xã vận tải du lịch Minh Đức, ngày 20/12, Đoàn thanh tra lại tiếp tục đình chỉ hoạt động 2 hãng taxi Petrolimex và Festival tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, hãng taxi Petrolimex đã có nhiều lái xe taxi không có hợp đồng, không có sổ theo dõi an toàn giao thông, một số xe hoạt động không đúng với màu sơn đã đăng ký... Ngoài ra, trong năm 2011, hãng taxi Petrolimex có đến 75 trường hợp vi phạm hoạt động tại sân bay, trong đó 2 lần hãng bị nhà ga Tân Sơn Nhất đình chỉ hoạt động, một số lái xe taxi lấy tiền quá giá và xô xát với khách nước ngoài.

Đối với hãng taxi Festival, đoàn thanh tra đã phát hiện có những vi phạm như niêm yết giá cước không đúng quy định, 91 lái xe không có hợp đồng, một số xe không đúng màu sơn... Trong năm 2011, hãng này cũng có 38 trường hợp vi phạm khi hoạt động tại sân bay.

Đó chỉ là những vị phạm “bề nổi” mà cơ quan chức năng thấy được, còn trên thực tế, “sóng ngầm” trong hoạt động của taxi trên địa bàn TP đang thực sự gây nhức nhối xã hội.

Thực trạng taxi ở TP.HCM hiện nay đang hoạt động công khai, lộn xộn và thiếu kiểm soát đã gây bất bình dư luận. Tình trạng taxi “dù” ngang nhiên chèo kéo khách ở ngay trung tâm khu vực chợ Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (quận 1) đã để lại những hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế. Đạo đức nghề nghiệp của giới lái xe taxi với những mánh khóe nhằm tăng giá cước, thu lợi bất chính rất nghiêm trọng.

Khi gặp khách nước ngoài lái xe luôn tìm mọi cách sử dụng các “chiêu thức” để moi tiền du khách. Những vị khách mới vào Việt Nam đi du lịch không phân biệt được loại xe taxi nào thật, xe taxi nào giả, chắc chắn sẽ bị chém đẹp.Vụ việc gây chấn động giữa năm 2011, một du khách Malaixa đã bị một tài xế taxi dả dạng taxi Mai Linh chở lên sân bay Tân Sơn Nhất và chiếm đoạt tổng cộng gần 4 triệu đồng, trong khi giá thực tế chỉ 150 ngàn đồng.

Hiện nay có quá nhiều hãng taxi với màu sắc và số điện thoại gần giống nhau, khiến cho cả những hành khách quen cũng đôi khi bị lầm. Chẳng hạn như biểu tượng Vinasum, Vina, Vinamet, Taxi Meter, Meter Taxi kèm số điện thoại 8.272777, 54.272727, nhìn bên ngoài khá giống taxi của hãng Vinasun. Nhưng đây thực chất là những taxi dù hoặc taxi HTX, tài xế được giao khoán, nên tài xế không theo một quy luật kinh doanh nào.

Ngay cả những hãng taxi được hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng thường xuyên để lại dư luận xấu. Anh Nguyễn Văn Hạnh, một doanh nhân lắc đầu khi nói về taxi sân bay Tân Sơn Nhất: Để cho tiện mình thường xuyên sử dụng đi taxi về nhà nhưng trước khi bước lên xe, liền bị tài xế chặn lại hỏi, đi về đâu? Nếu như đi gần chắc chắn sẽ nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm, có khi bị từ chối.

Đợt kiểm tra hoạt động taxi của cơ quan chức năng với những hành động kiên quyết đình chỉ những hãng taxi không đạt tiêu chuẩn hoạt động theo quy định cho thấy quyết tâm làm sạch những vết nhơ của taxi trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên điều mà dư luận quan tâm hơn là phải làm sạch taxi ngay từ bên trong. Đó là các chủ doanh nghiệp taxi phải tạo dựng được thương hiệu bằng uy tín bằng một chính sách kinh doanh minh bạch để có khách hàng chứ không phải làm ăn kiểu chộp giật. Có những hãng taxi giao khoán xe toàn bộ cho tài xế, mặc sức họ tung hoành chiếm đoạt tiền của hành khách. Dẫn đến nhiều HTX vận tải không còn quản lý được đội ngũ xã viên của mình. Các chủ xe chỉ cần nộp từ 50.000 - 70.000 đồng/tháng phí quản lý cho HTX để được cấp phù hiệu taxi, sau đó định kỳ 6 tháng mới quay về lấy giấy giới thiệu đưa xe đi xét lưu hành. Tình trạng trên góp phần làm taxi nhái, taxi “dù” ngày càng “loạn”.

Ngay cả việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp taxi, dư luận nghi ngờ nếu như không có chuyện chạy chọt xin xỏ, thì làm sao các doanh nghiệp không đủ điều kiện lại được cấp giấy phép hoạt động và tồn tại một thời gian dài, dù hàng năm cơ quan chức năng TP đều mở đợt cao điểm thanh tra toàn diện taxi trên địa bàn TP.

Dư luận mong chờ sau đợt quyết tâm xử lý nghiêm khắc và quyết tâm của Bộ GTVT liệu sẽ làm “sạch” được hoạt động taxi trên địa bàn TP.Tại TP.HCM, chứ đừng đánh trống bỏ dùi.

SĨ DŨNG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN