Kích hoạt cơ chế phản vệ trước ma túy - Bài cuối: Cả xã hội cùng hỗ trợ

Sống có lý tưởng, có mục đích rõ ràng, mọi công dân nói chung và những người trẻ tuổi nói riêng sẽ dễ dàng hơn để đạt được thành công và ít có nguy cơ hơn sa vào tệ nạn, trong đó có tệ nạn ma túy.

Thấy gì qua những số liệu?

Trường Đại học Yale (Mỹ) vào năm 1952 đã khảo sát các sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường. Theo đó, chỉ có 3% viết ra được mục tiêu và kế hoạch để thực hiện mục tiêu của mình, biết sẽ làm gì trong vòng 15 - 20 năm tới. Còn lại 97% nói không có mục tiêu cụ thể, “đến đâu hay đến đấy”.

Chú thích ảnh
Các học viên học nghề tại Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Năm 1972, tức 20 năm sau, kết quả cuộc khảo sát lần 2 cho thấy, tổng thu nhập của 3% số sinh viên năm xưa có mục đích sống rõ ràng cao gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% số sinh viên sống thiếu lý tưởng.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh (Học viện Hành chính Quốc gia) và các cộng sự đã tiến hành cuộc khảo sát ở 5 trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, 278 sinh viên trong số 433 em (64%) được hỏi nói rằng họ sống vì bản thân mình. Chỉ có 137 (31,6%) em chọn lối sống vì người khác. 18 em (4,4%) sống vì công việc.

Về lý tưởng sống, trong số 433 sinh viên, có 108 em (24,9%) xác định rõ lý tưởng của mình, còn lại 75,1% chưa xác định được mục tiêu, lý tưởng của mình.

Về câu hỏi: “Bạn tự đánh giá mình đã học chăm chỉ trong quá trình sinh viên chưa?”,  417 em (96,3%) đã thú nhận là bản thân chưa chăm chỉ. Chỉ có 16 em  (3,7%) tự đánh giá mình chăm học.

Về cách ứng xử hằng ngày, chỉ có 15 sinh viên (3,5%) nói “không” với việc nói tục, nói xấu bạn, trong khi có tới 418 em (96,5%) trả lời “Có”, thậm chí 51 em (11,8%) thừa nhận nói tục thường xuyên. 

Tăng yếu tố bảo vệ, giảm yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập ở bài trước, sa chân vào ma túy rất dễ, nhưng việc cai nghiện cực kỳ khó khăn. Bởi vậy, trong cuộc chiến với ma túy, phòng bị được sẽ tốt hơn là phải chống.

Theo các chuyên gia về tội phạm ma túy, để hạn chế lớp trẻ sa đà vào tệ nạn nói chung và ma túy nói riêng, điều quan trọng là phải kích hoạt cơ chế phòng vệ, tức phát huy các yếu tố tự bảo vệ trong mỗi con người - nâng cao tình độ học vấn và mức độ nhận thức; có ý thức tuân thủ pháp luật; có lý tưởng sống rõ ràng; có sức khỏe về thể chất và tinh thần; biết tự bằng lòng với chính mình; có gia đình hòa thuận; có quan điểm dứt khoát với ma túy.

Mặt khác, các yếu tố nguy cơ cần được loại trừ, đó là: thiếu khát vọng vươn lên; hoàn cảnh trắc trở; môi trường sống có nhiều tệ nạn xã hội; có bố mẹ, bạn bè hoặc quen biết với các đối tượng nghiện ngập; gia đình bất hòa; thiếu sự giúp đỡ từ cộng đồng và người có trình độ, bản lĩnh; sống tại địa bàn dễ tiếp cận với các chất gây nghiện.

Nói về việc có tới 64% sinh viên được hỏi theo đuổi lối sống chỉ vì bản thân mình, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh cho biết: “Với tư cách là một giảng viên, tôi nhận thấy đây là một con số rất đáng báo động về mặt nhận thức của sinh viên trẻ hiện nay. Các em đã bị tiêm nhiễm một lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân. Đáng lẽ phải sống đúng là “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, các em lại nhận thức chỉ biết sống cho mình”.

Xác định được lý tưởng, mục đích sống rõ ràng, lành mạnh chỉ là một trong nhiều thành phần tạo nên cơ chế tự vệ của thanh, thiếu niên trước sức cám dỗ của ma túy. Song đây là yếu tố rất quan trọng, là yếu tố nội tâm.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh đã đưa ra một số biện pháp để giúp sinh viên (và những người trẻ tuổi nói chung) xây dựng lý tưởng và xây dựng các giá trị hình mẫu:

Về phía sinh viên: mỗi một sinh viên cần tự giác, tự chủ, tự trọng trong cuộc sống và học tập; tự mình đặt ra mục tiêu, đặt ra kế hoạch phấn đấu. Nếu gặp khó khăn, các em cần tìm các lực lượng trợ giúp như thầy, cô giáo, các chuyên gia tư vấn, các tổ chức đoàn, hội…

Bản thân sinh viên cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động, nhất là hoạt động đoàn, hội, hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện để có thể nhận ra nhiều giá trị và rèn luyện bản thân tốt hơn. Đặc biệt, để xây dựng mục tiêu đúng đắn sinh viên nên đọc, nghiên cứu các cuốn sách, các bài nghiên cứu về những con người đã thành công trong lịch sử, những tấm gương sáng cho muôn đời. Mẫu hình của các em là phấn đấu trở thành "Sinh viên 5 tốt", là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng trong mỗi cá nhân sinh viên để rèn luyện, hoàn thiện mình ở 5 tiêu chí “Học tập tốt - Đạo đức tốt - Kỹ năng tốt - Hội nhập tốt - Thể lực tốt”, là những tài năng trẻ, những điển hình đoạt giải cao trong hội thi "Học sinh, sinh viên giỏi nghề".

Về phía gia đình: các gia đình cần quan tâm tạo điều kiện cho thanh niên tự lập, tạo điều kiện cho con em mình chọn đúng ngành nghề theo khả năng, sở trường của các em; thường xuyên kiểm tra kết quả học tập, rèn luyện của con em mình, cần liên lạc với giáo viên, giảng viên, người quản lý lớp để biết tình hình thực tế của con em.

Gia đình cần cùng con em của mình tìm cách giải quyết các vấn đề trong quá trình học tập. Cha mẹ cần có nghề nghiệp và làm gương cho con trong gia đình. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nghề nghiệp của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp tương lai của con cái. Cha mẹ đóng góp một cách không nhỏ trong việc phát triển nhân cách cho con cái. Con cái sẽ cảm thấy dễ dàng và phấn khởi trong việc chấp nhận phát triển nhân cách do cha mẹ chỉ dẫn nếu cha mẹ là những người thức thời, tạo cơ hội cho con cái cùng với cha mẹ trao đổi ý kiến về mọi khía cạnh của việc trau dồi nhân cách.

Về phía nhà trường: Nhà trường cần tuyên truyền sâu rộng những giá trị sống tốt đẹp, tạo thành nề nếp sinh hoạt cho sinh viên, đặt ra nội quy quy định rõ ràng, có lực lượng kiểm tra giám sát và đánh giá đúng thực chất chất lượng rèn luyện đạo đức, học tập của sinh viên.

Các thầy, cô giáo cần gương mẫu hơn, có sự nhiệt tình trong việc công tác dạy học và giáo dục người học, đánh giá khách quan công bằng bằng nhiều biện pháp. Sự ảnh hưởng của thầy, cô giáo đến sinh viên là rất lớn. Mỗi thầy cô là một tấm gương sáng về đạo đức, năng lực và tự học sẽ giúp ích rất nhiều cho các em hình thành lý tưởng đúng đắn, học tập tiếp bộ. Các tổ  chức đoàn, hội cần tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên thiết thực hơn.

Về các lực lượng khác, những người thành công trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học - kỹ thuật, nghệ thuật… cần có sự tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ có tác động tích cực, lành mạnh đến lớp trẻ.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ thị nêu rõ, Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.  Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống ma túy; có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.

Hệ thống pháp luật tiếp tục hoàn thiện, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình hành động, tổ chức phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc" và các phong trào thi đua khác để xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy.

Phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách, đặc biệt là vai trò chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của lực lượng Công an nhân dân, chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia...

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Xây dựng chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy phù hợp thực tiễn
Xây dựng chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy phù hợp thực tiễn

Ngày 25/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS”, nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam phù hợp với thực tiễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN