Các loại khoáng sản Vônfram, ăngtimoan phân bố trong diện hẹp; các loại vàng sa khoáng, đá quý phân bố ở một số địa phương với quy mô mỏ nhỏ và điểm khoáng. Các loại khoáng sản phi kim gồm các loại đá: Bazan, Granit, khoáng vật thạch anh, cao lanh, các loại đá xây dựng, sét, cát, than bùn.
"Cát tặc" hoành hành trên sông Krông Nô (Đắk Nông) thuộc địa phận xã Buôn Chóah. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông, đến nay công tác điều tra, đánh giá và lập bản đồ địa chất khoáng sản tập trung chủ yếu nhóm khoáng sản quặng bauxít và quặng sắt laterit còn các khoáng sản khác vẫn chưa được quan tâm. Vì vậy, tỉnh vẫn chưa đánh giá một cách đầy đủ về trữ lượng và chất lượng các loại tài nguyên và cũng chưa quy hoạch được các vùng khai thác khoáng sản. Tình trạng khai thác khoáng sản không phép đã xảy ra, đặc biệt tại những vùng sâu vùng xa, gây lãng phí và thất thoát tài nguyên, làm giảm diện tích đất canh tác, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, trên sông Krông Nô (huyện Krông Nô), nhiều tổ chức và cá nhân đã tập trung khai thác cát với quy mô lớn. Do cát bị khai thác bừa bãi trong thời gian dài, nên nhiều đoạn bờ sông đã bị sạt lở, diện tích đất canh tác và cây rừng bị hủy hoại, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân địa phương. Cụ thể tại huyện Krông Nô, thời gian qua, trên sông Krông Nô có 9 cá nhân, tổ chức đã hoạt động khai thác cát xây dựng. Trong đó, có 3 tổ chức khai thác có phép, còn 6 tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép từ năm 2014. Các đối tượng khai thác cát trái phép nhiều nhất chủ yếu là đoạn sông chảy qua xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô. Việc hút cát từ dòng sông đã gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, làm biến dạng dòng chảy, mất đất sản xuất của người dân, gây ô nhiễm môi trường nước và thất thoát tài nguyên.
Ông Dương Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah cho biết: Tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô đã diễn ra nhiều năm nay, tác động tiêu cực đến địa phương. Chính quyền và người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm. Lực lượng chức năng của Đắk Nông đã tổ chức các đợt tuần tra, truy quét, bắt giữ và xử lý nhiều phương tiện tàu, sà lan khai thác cát trái phép. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát trái phép 16 vụ, 17 đối tượng, tịch thu 1 sà lan hút cát và phạt tiền 380 triệu đồng.
Trong nhiều năm, tình trạng khai thác vàng sa khoáng khá phổ biến tại các xã vùng sâu của huyện Đắk Glong như Đắk R’măng, Quảng Hòa. Việc đào bới tìm vàng gốc và đào đãi vàng sa khoáng ở những vùng này đã hủy hoại một số diện tích rừng, làm xói lở bờ sông suối, hủy hoại và thu hẹp đất canh tác nơi ven suối và các bãi bồi. Những tháng mùa khô, nguồn nước tại các khe suối bị ô nhiễm, không sử dụng cho việc tưới cà phê và các loại cây trồng. Những người đào vàng sử dụng máy múc, máy ủi và nhiều phương tiện để thực hiện hút cát, đào hầm xẻ núi tìm vàng khiến hàng chục ha rừng bị tàn phá.
Cụ thể, Công ty TNHH Thành Trung (đóng tại xã Nam Đà, huyện Krông Nô) lợi dụng việc cấp phép phổ tra tài nguyên trên diện hẹp tại xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong) đã tổ chức khai thác vàng gốc, vàng sa khoáng một cách tùy tiện và ồ ạt, gây thất thoát tài nguyên và hủy hoại rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học ở trong vùng. Tại khu vực có vàng sa khoáng xã Quảng Hòa, một số đối tượng khai thác vàng trái phép thậm chí sẵn sàng dùng hung khí chống người thi hành công vụ. Vừa qua, đoàn cán bộ xã Quảng Hòa đã bị một nhóm đối tượng côn đồ sử dụng hung khí vây đánh trọng thương và phải nhờ công an huyện can thiệp, đoàn cán bộ xã mới được giải thoát...
Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng Khoáng sản và tài nguyên nước, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông, công tác thanh tra, kiểm tra khoáng sản tuy đã được tiến hành thường xuyên và có các biện pháp xử lý vi phạm, song việc giám sát thi hành có lúc chưa sát sao. Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh chưa thật sự kiên quyết, xử lý chưa dứt điểm, nên vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Mặt khác, các khu vực có khoáng sản khai thác trái phép đều nằm ở vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn. Một số điểm khai thác khoáng sản trái phép nằm trong lâm phần quản lý của các công ty lâm nghiệp, các đơn vị trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trách nhiệm của các đơn vị này còn hạn chế nên việc ngăn chặn, tố giác các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chưa cao. Cũng theo ông Trung, thời gian tới ngành tài nguyên - môi trường sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, kiểm tra xử lý nghiêm minh, triệt để các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.
Với tình hình khai thác khoáng sản vượt tầm kiểm soát như hiện nay, tỉnh Đắk Nông cần lập lại trật tự khai thác và sử dụng khoáng sản, nhằm giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đất canh tác và bảo vệ môi trường. Trước mắt tỉnh cần khẩn trương khảo sát, tìm kiếm, đánh giá, quy hoạch vùng tài nguyên để khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản một cách hợp lý. Những địa bàn sau khi khai thác khoáng sản, cần phải bồi hoàn lại mặt bằng, phục hồi dần cảnh quan sinh thái và môi trường.