Trong đó, thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý gần 90 nghìn trường hợp vi phạm (có 92 tài xế xe khách, 589 tài xế xe tải, 5.52 tài xế xe con, 35 tài xế xe container, trên 83,5 nghìn người điều khiển xe mô tô và 198 phương tiện khác), phạt tiền hơn 400 tỷ đồng, tước 55,7 nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ gần 90 nghìn phương tiện. Trong số này, có 1.244 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm về nồng độ cồn cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Bắc Giang, Tây Ninh, Phú Thọ.
Thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm về "cơi nới" thành thùng xe, chở quá tải trọng quy định, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 39.053 trường hợp (23.352 lái xe vi phạm và 15.701 chủ phương tiện vi phạm); phạt tiền hơn 200 tỷ đồng, tước 20.287 giấy phép lái xe, tạm giữ 976 phương tiện, yêu cầu hạ tải đối với 12.076 trường hợp.
Trong đó, có hơn 20 nghìn trường hợp chở hàng quá trọng tải; 6.872 trường hợp quá khổ giới hạn; hơn 4.600 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện. Cơ quan chức năng đã yêu cầu tháo, cắt thùng xe đã cơi nới đối với 7.272 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm 678 trường hợp. Thanh Hóa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai, Bắc Ninh , Vĩnh Phúc, Khánh Hòa là những địa phương có kết quả xử lý cao.
Đối với chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ, Cảnh sát giao thông đã xử lý trên 86,4 nghìn trường hợp (gồm 3.243 xe khách, 36.761 xe con, 9.506 xe tải, 410 xe container, 36.437 mô tô), phạt tiền hơn 150 tỷ đồng, tước 21.185 giấy phép lái xe, tạm giữ 2.829 phương tiện. Các địa phương có kết quả xử lý cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bắc Giang, Khánh Hòa và lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông…
Đối với chuyên đề xử lý vi phạm trên đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy và Cảnh sát giao thông các địa phương đã lập biên bản đối với trên 13 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 30 tỷ đồng, tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 168 trường hợp, tạm giữ 47 phương tiện. Trong đó, vi phạm chở quá vạch mớn nước an toàn là hơn 9.800 trường hợp; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy là 266 trường hợp; vi phạm về đăng ký, đăng kiểm có 848 trường hợp và một số vi phạm khác.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai cao điểm, tai nạn giao thông giảm rõ rệt trên cả 3 tiêu chí. Tính từ ngày 20/6 đến ngày 8/9, cả nước xảy ra 2.250 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.205 người, bị thương 1.640 người. So sánh với thời gian trước liền kề (từ ngày 31/3 - 19/6/2022), giảm 305 vụ (11,94%), giảm 208 người chết (14,72%), giảm 62 người bị thương (3,64%).
Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 2.213 vụ, làm chết 1.174 người, bị thương 1.629 người. So sánh với thời gian trước liền kề, giảm 316 vụ (12,50%), giảm 219 người chết (15,72%), giảm 69 người bị thương (4,06%). Đạt được kết quả trên có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an các tỉnh cùng sự nỗ lực của toàn lực lượng Cảnh sát giao thông.
Kế hoạch cao điểm sẽ kết thúc vào ngày 20/9/2022. Theo Cục Cảnh sát giao thông, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, khi kết thúc cao điểm, toàn lực lượng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín địa bàn 24/24 giờ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sau khi kết thúc cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần quyết liệt như thực hiện cao điểm về xử lý các vi phạm để tránh tình trạng các vi phạm tái diễn...