Hoãn phiên xử 4 nguyên cán bộ thanh tra giao thông bảo kê logo 'xe vua'

Sau hơn một ngày mở phiên tòa xét xử vụ án bảo kê logo “xe vua” tại Hà Nội, sáng 12/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Cụ thể, qua phần xét hỏi, Hội đồng xét xử nhận thấy cần xác minh thêm một số tài liệu chứng cứ mà không thể thu thập, làm rõ tại phiên tòa, nên đã quyết định hoãn phiên xử. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Trước đó, trong phần xét hỏi, 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông khai hầu hết có nhận tiền của nhóm môi giới để bỏ qua vi phạm cho các xe có gắn logo nhận diện của nhóm này. Song do thời gian quá lâu, các bị cáo không nhớ rõ nhiều nội dung liên quan, như số lần nhận tiền, tổng số tiền hưởng lợi, nội dung thỏa thuận, trao đổi với nhóm môi giới.

Trong số 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông, bị cáo Trần Sỹ Cương (sinh năm 1984, nguyên cán bộ Đội Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) bị Viện Kiểm sát cáo buộc nhận nhiều tiền hối lộ nhất (136 triệu đồng). Bị cáo Cương cho rằng mình chỉ là "bảo vệ, lái xe, giúp việc" cho tổ công tác, không có thẩm quyền quyết định xử phạt phương tiện. Do đó, khi nhóm môi giới thông báo có xe bị xử phạt, bị cáo chỉ "tác động, nhờ giúp".

Về phần mình, bị cáo Hoàng Văn Lân (sinh năm 1963, nguyên cán bộ Đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khai thời điểm nhận hối lộ "không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật". Bị cáo Lân khai năm 2016 đã gặp và được bị cáo Nguyễn Ánh Hào (sinh năm 1981, ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhờ "tạo điều kiện" để việc vận tải của công ty thuận lợi, song không nói cụ thể "tạo điều kiện" là làm gì.

Ba bị cáo bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” thừa nhận từ giữa năm 2016, hằng tháng có thu tiền của các doanh nghiệp vận tải trên số đầu xe tạo logo riêng phát cho các xe này. Sau đó, các bị cáo mang tiền thu được này đi "quan hệ" với các cán bộ ngành giao thông vận tải để được bỏ qua hoặc xử lý nhẹ với các lỗi vi phạm, đa số là chở quá tải, quá tốc độ.

Đây là lần thứ hai vụ án được đưa ra xét xử. Trước đó, vụ án dự kiến được xét xử sơ thẩm vào ngày 11/8/2020. Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Song xét thấy không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số người có liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên nội dung truy tố.

Kim Anh (TTXVN)
Hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Ngân hàng Đông Á - giai đoạn 2
Hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Ngân hàng Đông Á - giai đoạn 2

Ngày 10/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) và các đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN