Hồ thủy điện còn bị “xẻ thịt” đến bao giờ?

Khu vực Đông Nam Bộ có hai hồ nước ngọt lớn là hồ thủy điện Trị An (Đồng Nai) và hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) có sức chứa từ 1,6 đến hơn 3 tỷ m3 nước, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu cư dân vùng hạ lưu và cung cấp nước tưới cho hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp. Vậy mà nhiều năm qua, người dân sống quanh hai hồ chứa này lại “vô tư bức tử” hồ bằng nhiều hình thức như xả thải, khai thác cát, đánh bắt hủy diệt...

Thực trạng đáng buồn

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vừa có bài phản ánh tình trạng đăng chắn lưới tại các eo ngách trên hồ thủy điện Trị An để "đón lõng" mùa cá sinh sản, thả nuôi trong vùng cấm của lòng hồ. Việc làm này khiến nguồn nước bị ô nhiễm, làm giảm sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái hồ. Sự việc kéo dài suốt từ khoảng năm 2010 đến nay, nhưng đơn vị được giao quản lý hồ Trị An cũng như chính quyền huyện Định Quán (Đồng Nai, nơi có các hộ dân làm đăng chắn) vẫn chưa thể xử lý dứt điểm các vi phạm này.

Chắn bửng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt dài hàng km đặt trái phép trong lòng hồ Trị An. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN



Lãnh đạo UBND huyện Định Quán cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đã cho Hợp tác xã Phước Lộc thuê mặt nước hồ khai thác, đánh bắt và làm dịch vụ nghề cá, nên đã dẫn đến việc họ lạm quyền cho người dân thuê lại mặt nước hồ đăng chắn thả nuôi cá trái quy định. Hiện nay, HTX Phước Lộc vẫn còn trong thời hạn hợp đồng với Khu bảo tồn trong việc khai thác, đánh bắt và làm dịch vụ nghề cá. Trong khi đó, những người dân đang làm đăng chắn để nuôi thả cá cũng vẫn còn hợp đồng (là hợp đồng miệng, có phiếu thu tiền) với HTX Phước Lộc nên họ không chịu dỡ các đăng chắn này theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai. Còn 800 hộ dân làm nghề đánh bắt cá trên hồ Trị An mà có hợp đồng với Khu bảo tồn thì rất bức xúc, vì họ bị thu hẹp ngư trường khai thác, lượng cá tôm đánh bắt được cũng ít dần đi.

Hồ Dầu Tiếng còn bị xâm hại trầm trọng hơn, bởi các cơ sở sản xuất tinh bột sắn, các trang trại chăn nuôi heo, các hộ nuôi cá bè, sản xuất nông nghiệp đều đổ hết chất thải xuống hồ. Mùa mưa, nước lên cao, mức độ ô nhiễm có giảm, nhưng mùa khô đến thì mực nước hồ xuống thấp, mức độ ô nhiễm và sự khai thác quá mức vùng lòng hồ lại càng trở nên trầm trọng hơn.

Hồ Dầu Tiếng nằm về phía tây bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 90 km, có sức chứa gần 1,6 tỷ m3 nước, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An. Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là đơn vị quản lý công trình này, nhưng hiện có hàng trăm nghìn cư dân thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đều được hưởng lợi từ hồ này.

Cuối năm 2011 đến đầu 2012, chính quyền các huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), Dầu Tiếng (Bình Dương), Hớn Quản (Bình Phước) cũng đã ra quân cưỡng chế các hộ nuôi cá lồng bè trái phép, các trang trại chăn nuôi xả thải xuống hồ, đặc biệt là các cơ sở chế biến tinh bột sắn... nhưng nay lại tái phát. Tỉnh Tây Ninh đang rất “đau đầu”, chưa biết giải quyết làm sao để đưa khoảng 250 hộ dân là người Việt sống ở biển hồ Campuchia về lòng hồ Dầu Tiếng sinh sống. Họ không có đất sản xuất, chỉ sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ, trong khi không có gia đình nào có hộ khẩu, con cái đều thất học. Cuộc sống của họ là những túp lều di động trên vùng bán ngập lòng hồ thuộc huyện Dương Minh Châu.

Cần hài hòa các lợi ích

Bàn việc giải quyết tháo dỡ các đăng chắn trái phép trên lòng hồ Trị An, bà Phạm Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết: Huyện Định Quán sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương quy hoạch khu vực có thể sản xuất nông nghiệp theo Thông tư 03/TT - BTNMT ngày 24/4/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sử dụng và quản lý vùng bán ngập và khu vực nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Trị An đảm bảo yêu cầu bảo tồn và các quy định quản lý lòng hồ, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất và phát triển kinh tế.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa: Công ty ông là đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, nhưng thẩm quyền xử lý các vi phạm lòng hồ lại thuộc về chính quyền các địa phương, các tỉnh liên quan. Để bảo vệ an toàn cho hồ Dầu Tiếng, ông Dũng cho rằng, chính quyền các tỉnh cần kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây ô nhiễm, lấn chiếm lòng hồ... Vùng bán ngập các địa phương có thể xin chủ trương của Trung ương cho phép quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn không ô nhiễm nguồn nước hồ. Cái chính là người dân được sản xuất, nuôi trồng hợp pháp để phát triển kinh tế.

Nếu cuộc sống của người dân xung quanh hai hồ nước này được ổn định, ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước, sinh vật của người dân từ đó sẽ được nâng cao.

Thái Nguyên
Để người dân không 'xẻ thịt' lòng hồ
Để người dân không 'xẻ thịt' lòng hồ

Nhiều năm qua, người dân sống quanh hai hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng “vô tư bức tử” hồ bằng nhiều hình thức như xả thải, khai thác cát, đánh bắt hủy diệt…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN