Hệ lụy của việc đòi hỏi 1 tỷ đồng/m2

Dự án xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở (tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi hai hộ dân cuối cùng “ra giá” đền bù lên đến 1 tỷ đồng/m2. Dù UBND quận Hoàn Kiếm đã ra lệnh cưỡng chế sau ngày 18/3 song việc thách giá trên trời này đang tạo ra những hệ lụy xấu cho thị trường, kéo lùi những nỗ lực giảm bong bóng bất động sản của Hà Nội.

Căn nhà ở địa chỉ 22 - 24 Hàng Bài.


Cần dẹp bỏ tư tưởng “càng chây ỳ càng có lợi”

Cách đây 7 năm, dự án xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở tại 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng đã giải tỏa được phần lớn diện tích (3.776 m2), chỉ còn lại gần 300 m2 do 17 hộ gia đình sử dụng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T đã nỗ lực thương lượng với từng hộ dân với giá cao ngoài sức tưởng tượng. Hiện mức giá cao nhất đã lên tới 500 triệu đồng/m2.
Tuy đã “đánh đổ mọi kỷ lục” về đền bù nhưng hiện mới có 15/17 chủ sử dụng đất đồng ý phương án đền bù, 2 hộ dân còn lại (thực chất là một gia đình) nhất định cố thủ với mức thách giá cực kỳ “trời ơi”: 1 tỷ đồng/m2.

Theo lý lẽ của 2 hộ dân này, dự án xây trung tâm thương mại nhằm mục đích kinh doanh, không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hay lợi ích công cộng, không thuộc diện Nhà nước thu hồi nên phải trả sát giá thị trường.

Thực tế, việc thỏa thuận đền bù sát giá thị trường không sai nhưng đâu là căn cứ để khẳng định mức 1 tỷ đồng/m2 “sát giá thị trường” thì chính hai hộ dân này cũng không chứng minh được. Trong khi đó, khảo sát của UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, giá chào bán công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại một số đường phố đắc địa nhất tại Hà Nội ở thời điểm hiện tại từ 400 - 500 triệu đồng/m² đất mặt đường. Còn theo bảng giá bồi thường do UBND TP Hà Nội ban hành, áp dụng cho năm 2010, mức bồi thường cao nhất tại Hàng Bài là 72 triệu đồng/m².

Bà Vi Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty T&T - chủ đầu tư cũng cho biết, “Sau gần 7 năm ách tắc và nhận thấy càng để lâu thì doanh nghiệp sẽ càng thiệt hại nên công ty đã chấp nhận thỏa thuận đền bù cao; cụ thể đề nghị bồi thường đối với một hộ (gia đình ông Hoàng Đình Trung) lên đến 49 tỷ đồng nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận.

Rõ ràng, hai hộ dân này đang lợi dụng tình thế, cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian “đất chết” của dự án để nâng giá đền bù cao hơn. Nếu không giải quyết dứt điểm khó tránh khỏi tư tưởng “càng chây ỳ càng có lợi” gây khó khăn và phức tạp trong công tác GPMB cho rất nhiều dự án bất động sản khác.

Hệ lụy của “giá thị trường”

Nhận thấy sự phi lý và bất cập trong đòi hỏi của 2 hộ dân nói trên, ngày 2/3/2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định cưỡng chế, tống đạt đến các hộ dân chưa tuân thủ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án, thể hiện vai trò "trọng tài" của chính quyền. Thời hạn thu hồi là sau ngày 18/3/2011, nếu 2 hộ dân không tự nguyện sẽ cưỡng chế thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận cho biết: Với 2 hộ dân này, mặc dù phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của quận, hỗ trợ riêng của chủ đầu tư… đều đã vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước và đã nhiều lần thuyết phục, giải thích nhưng hai chủ sử dụng đất còn lại vẫn không chấp nhận. Vì vậy, căn cứ theo các quy định của pháp luật, và không thể để tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến thiệt hại về kinh tế, lãng phí đối với ngân sách nhà nước, đồng thời ảnh hưởng xấu đến công tác quy hoạch phát triển đô thị và dư luận xã hội... nên ngày 2/3/2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã báo cáo UBND TP Hà Nội, sau đó ra quyết định số 424 và 425 áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Hoàng Đình Trung và hộ gia đình ông Hoàng Quốc Cường (quyết định có hiệu lực sau 15 ngày).

Tuy nhiên, hệ lụy của câu chuyện “đền bù theo giá thị trường” không dừng ở địa chỉ 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng. Hà Nội hiện đang có rất nhiều dự án rơi vào cảnh dở khóc dở cười do những “nút cổ chai” kiểu này gây nên, làm chậm tiến độ các dự án, cản trở nền kinh tế và nguy hại hơn, đây là một trong những nhân tố “thổi bong bóng” bất động sản, làm tăng tình trạng lãng phí quỹ đất giữa thời buổi đại đa số cư dân đô thị đang khát nhà ở. Bởi khi doanh nghiệp phải è cổ chạy theo những đòi hỏi trên trời của một vài cá nhân như vậy, giá mặt bằng chung càng bị thổi lên, giãn cách cơ hội tiếp cận nhà ở của đại bộ phận dân chúng.

Mặt khác, hệ lụy của những đòi hỏi phi lý này còn khiến BĐS bị đẩy giá quá cao, hút kiệt quệ nền tài chính nước nhà, làm cho các ngân hàng thiếu thanh khoản và dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng như hiện nay.

Do đó, mới đây, ngày 25/3, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục có công văn giao UBND phường Hàng Bài phối hợp với Công ty CP Thời đại mới T&T lập phương án thực hiện cưỡng chế di dời hai hộ gia đình trên đến khu nhà tạm cư Thanh Lương, tổ 28, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Động thái này thể hiện sự kiên quyết và nghiêm minh của chính quyền. Đã đến lúc lợi ích cộng đồng và kỷ cương phép nước cần phải được kiên quyết thực thi!

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN