Nhiều tháng nay, hàng trăm cây thông trăm tuổi ở các vùng rừng thuộc các xã Xuân Phương, Kha Sơn, Bảo Lý, thị trấn Hương Sơn... huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã bị chặt hạ không thương tiếc. Điều đáng nói, ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên cán bộ Lâm trường Phú Bình và hiện là cán bộ của Công ty ván dăm Thái Nguyên) - người liên tục chặt hạ những cây thông này trong một thời gian dài lại không phải là chủ rừng và cũng không có giấy phép khai thác lâm sản.
Một cây thông lớn mới bị chặt hạ trong khu rừng thông ở xã Bảo Lý. |
Lợi dụng những kẽ hở trong quản lý rừng ở địa phương và núp dưới danh nghĩa cán bộ của Lâm trường Phú Bình (đơn vị này nay đã sáp nhập vào Công ty ván dăm Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Dũng đã nhiều lần khai thác rừng thông cổ thụ ở những địa bàn mà Công ty ván dăm không còn là chủ rừng, với lý do tận thu các cây thông bị sét đánh chết, do gió quật ngã, thông già có nguy cơ đổ trong mùa mưa bão... Cuối năm 2010, khi phát hiện nhiều cây thông vẫn còn xanh tốt bị chặt hạ, chính quyền thị trấn Hương Sơn yêu cầu xuất trình văn bản liên quan đến việc khai thác gỗ thông nhưng ông Dũng không xuất trình được. Ngay sau đó, ông Dũng lại tiếp tục chặt hạ thông tại các xã khác. Mới đây nhất, vào khoảng cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2011, ông Dũng lại đưa người về chặt thông tại xã Bảo Lý.
Ông Dương Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Bảo Lý - cho biết: Khi phát hiện việc khai thác gỗ thông của ông Dũng chưa có hồ sơ hợp lệ, xã đã lập biên bản, đề nghị giữ nguyên hiện trường là 36 cây thông đã bị chặt hạ với khối lượng ước tính khoảng 25 m3. Nhưng biên bản lập xong, ông Dũng không ký và ông Nguyễn Văn Đạo - cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Phú Bình phụ trách địa bàn cũng không ký vào biên bản. Không những vậy, những đối tượng vi phạm còn đưa gỗ lên xe chở về đổ ở khu xưởng xẻ của Công ty ván dăm Thái Nguyên.
Điều lạ là hành vi chặt hàng loạt các cây thông cổ thụ, thậm chí chặt trắng cả một vùng rừng thông khi chưa có giấy phép khai thác của ông Dũng đã diễn ra khá lâu nhưng cán bộ kiểm lâm địa bàn và những người có trách nhiệm ở Hạt Kiểm lâm Phú Bình không có phương án xử lý kịp thời. Nhiều người dân ở các khu vực có thông bị chặt cho biết, những người khi về khai thác đều đi cùng cán bộ kiểm lâm, thậm chí có cả sự chứng kiến của trưởng thôn, xóm. Có nơi, xóm còn được trích lại 30% kinh phí sau khi “tận thu” gỗ thông. Việc dư luận địa phương cho rằng vụ việc có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng không phải không có cơ sở...
Tại Công ty ván dăm Thái Nguyên, ông Vũ Văn Hường - Giám đốc công ty cho biết: Ông Dũng chỉ thực hiện nhiệm vụ tổ chức sản xuất đồ mộc gia dụng với nguyên liệu là gỗ keo. Nguyên liệu cũng phải thực hiện giao nhận giữa công ty và xưởng xẻ do ông Dũng quản lý. Việc ông Dũng chặt thông là việc làm có tính chất cá nhân. Theo ông Hường, đến ngay diện tích rừng thông do công ty đang quản lý, cây đổ, cây chết, muốn khai thác cũng phải làm hồ sơ trình lên Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý doanh nghiệp), nếu được cấp trên duyệt thì mới khai thác. Mặt khác, ông Dũng không phải là chủ rừng mà bản thân ông cũng không đủ tư cách pháp nhân đại diện cho một đơn vị để tiến hành khai thác và càng sai trái hơn khi chặt thông tận thu lại thực hiện theo kiểu chặt trắng cả rừng...
Làm việc với phóng viên báo chí, ông Ngô Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Thái Nguyên, khẳng định: Sau khi có thông tin về việc chặt hạ thông trái phép ở Phú Bình, cơ quan kiểm lâm đã vào cuộc và xác định được diện tích rừng thông bị chặt phá vào khoảng 30 ha, số cây thông lớn đã bị chặt là trên 200 cây, ước tính số gỗ thông khai thác trái phép lên tới hơn 100 m3... Ngành kiểm lâm đang tiến hành xác định chủ rừng tại các vùng có thông bị chặt hạ. Tuy nhiên dù chủ rừng là ai thì việc khai thác không có giấy phép rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật.
Được biết, sau khi phát hiện vụ việc, lực lượng cảnh sát môi trường cũng vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để nhanh chóng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Hoàng Thảo Nguyên