Theo Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, dịch bệnh bùng phát, xung đột Nga - Ukraine…khiến tình hình sản xuất, kinh doanh cung ứng xăng dầu trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là giá thành biến động. Từ đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong vận chuyển, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng trên địa bàn các tỉnh và trên các vùng biển Việt Nam có chiều hướng ngày càng tăng cả về số vụ, số đối tượng, số lượng xăng dầu.
Đối tượng tham gia là đa thành phần, cư trú trên phạm vi địa bàn nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khép kín, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước trong quản lý, sản xuất, kinh doanh xăng dầu, làm thất thu ngân sách Nhà nước, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng và tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ, tác động đến công tác hoạch định phát triển kinh tế đất nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh năng lượng của quốc gia.
Điển hình như ngày 3/3, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng Công an phối hợp bắt giữ 2 tàu chở khoảng 500 nghìn lít dầu không có chứng từ và nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Ngày 6/3, tại Đồng Nai, lực lượng Công an phối hợp bắt giữ, khởi tố, điều tra đường dây sản xuất dầu nhớt giả với số lượng quy mô rất lớn. Ngày 23/3, Công an Nghệ An lập Chuyên án 322X bắt giữ tàu chuyên dụng vận chuyển trên 1 triệu lít xăng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngày 5/8, tại An Giang, Tổ liên ngành phát hiện và tạm giữ khoảng 23.000 lít và trên 2,6 tấn dầu nhớt, mỡ bôi trơn, phụ gia giả...
Trong khi đó, Việt Nam có tuyến biên giới biển rất dài, nhu cầu mua dầu để sử dụng ngay trên biển của tàu cá Việt Nam rất lớn, đây là điều kiện để hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, sang mạn xăng dầu của tàu nước ngoài bán dầu lậu cho tàu Việt Nam ngay trên biển ở những vùng biển giáp ranh, chồng lấn và vùng biển xa để phục vụ việc đánh bắt hải sản hoặc đưa vào đất liền tiêu thụ. Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đang phát sinh một số bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tiễn cần được sửa đổi.
Trước tình trạng này, Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.
Đồng thời chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, lưu kho, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng dầu; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận đo lường, không bảo đảm chất lượng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi.
Đặc biệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.