Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 9/2017, trên địa bàn Hà Nội có 15 doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị thu hồi giấy phép, 14 doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động. Sở đã thanh tra 16 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp và đã xử lý 6 doanh nghiệp, với số tiền phạt là 800 triệu đồng.
Niêm phong mặt hàng phân bón hữu cơ vi sinh giả, kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN |
Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng đã thanh tra Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, truy thu thuế và xử phạt 3,3 tỷ đồng. Chuyển Cục Quản lý Cạnh tranh xem xét xử lý vi phạm đối với 3 doanh nghiệp; chuyển Sở Ngoại vụ xem xét xử lý vi phạm 2 doanh nghiệp tổ chức hội thảo có yếu tố nước ngoài; chuyển Cục Thuế Hà Nội, Sở Công Thương Bắc Ninh xem xét kiểm tra đối với Công ty TNHH Herbalife Việt Nam. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên cả nước và Hà Nội đã giảm đáng kể.
Tính đến 15/8/2017, cả nước có 36 doanh nghiệp đang hoạt động, giảm 12% so với cuối năm 2016, giảm 46% so với tổng số doanh nghiệp được cấp phép theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP, giảm 44,6% so với với số doanh nghiệp thời điểm tháng 5/2014 trước khi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực.
Trên địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp đang hoạt động, giảm 8,8% so với cuối năm 2016; giảm 45,6% so với tổng số doanh nghiệp đã thông báo hoạt động theo NĐ 42/2014/NĐ-CP, giảm 18,4% so với số doanh nghiệp thời điểm tháng 5/2014 trước khi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực.
Đặc biệt, người dân cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động bán hàng đa cấp nên số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm đi rõ rệt. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa bàn Hà Nội số người tham gia là 68.289 người, giảm 24% so với năm 2016, giảm 66% so với năm 2015 (năm 2016 là 90.070 người, năm 2015 là 201.373 người).
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp thường là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp.
Các hình thức vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp rất đa dạng, tinh vi. Doanh nghiệp, người tham gia tư vấn sai, mập mờ, không rõ ràng để người dân hiểu sai bản chất và tự nguyện thực hiện hoặc tư vấn cho chính người thân quen của mình vì vậy gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng dưới nhiều dạng kinh doanh đẩy nhiều người dân, nạn nhân vào chỗ điêu đứng, từ hoạt động kinh doanh bất động sản, hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư, tiền ảo qua mạng… đều núp bóng hình thức đa cấp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.