Hà Nội siết chặt vận tải khách bằng taxi: Không thể mãi “lập lờ đánh lận con đen”

Giao thông thủ đô đang quá phức tạp bởi hoạt động của tới 113 hãng taxi, với hơn 17.000 đầu xe. Đợt tổng kiểm tra taxi của liên ngành Giao thông vận tải (GTVT) - Công an cuối tháng 4/2012 mới rà soát được 17 hãng taxi hoạt động “lậu” và tạm giữ khoảng 50 xe, con số này quả là quá nhỏ so với tình trạng taxi “tung hoành” tại Hà Nội hiện nay. Việc taxi hãng, taxi “dù” thi nhau tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu, chống đối cảnh sát giao thông (CSGT), “móc túi” khách hàng... đang vẽ lên bức tranh xấu cho giao thông thủ đô, khiến người dân mất dần sự tin tưởng đối với phương tiện giao thông này. Các giải pháp quản lý taxi bằng màu sơn, dán tem chất lượng, tăng nặng xử phạt... sẽ được triển khai, nhưng nếu không làm đến nơi đến chốn sẽ vẫn tái diễn tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”.

 

Quá bát nháo


Theo Sở GTVT Hà Nội, trong đợt tổng kiểm tra taxi vừa qua, các hình thức taxi hoạt động bát nháo tại Hà Nội hiện nay đều được điểm mặt chỉ tên. Từ các hãng xe lớn, nhỏ đến xe “dù”, qua kiểm tra đều mắc lỗi vi phạm, trong đó chủ yếu là xe đã hết hạn kiểm định, lái xe đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, làm phù hiệu taxi giả, phù hiệu taxi hết hạn sử dụng, lái xe không có bằng lái, lái xe sử dụng bằng lái hạng B1, đồng hồ điện tử không kẹp chì bảo hiểm... Ngoài ra, còn có một số hãng taxi sơn quá nhiều màu trên xe, xe bị từ chối kiểm tra do quá cũ, sơn xe bị bong tróc hoặc niêm yết giá cước không đầy đủ... Thực tế cho thấy, công tác quản lý hoạt động taxi Hà Nội thời gian qua đã bị thả nổi, mạnh xe nào xe đó chạy.


 

Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) xử lý lỗi vi phạm đón khách không đúng nơi quy định trên đường Kim Đồng (quận Hoàng Mai) của hãng taxi Group. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

 

Trao đổi về các lỗi vi phạm của taxi, Ban Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Qua kiểm tra, xe taxi nào không đạt yêu cầu sẽ không được dán tem, những xe không có tem vẫn hoạt động sẽ bị coi như taxi “dù”. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi tại Hà Nội thời gian qua có quá nhiều tồn tại. Hầu hết các hãng taxi chưa đăng ký lôgô, màu sơn đặc trưng và chưa thống nhất màu sơn xe taxi theo quy định; nhiều hãng để phù hiệu hết thời hạn nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để cấp phù hiệu lại hoặc cấp mới cho xe taxi và vẫn để xe taxi hoạt động, một số hãng chưa thực hiện tập huấn định kỳ cho lái xe, còn đội ngũ lái xe cũng không được kiểm soát chặt đầu vào. Ý thức chấp hành quy định hãng, quy định pháp luật của không ít lái xe ở nhiều doanh nghiệp rất hạn chế, mặc dù đã được trang bị đồng phục nhưng tuân thủ tùy tiện như đi dép lê, đội mũ vải, không tự giác chấp hành quy định... Chính những tồn tại này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng vận tải hành khách bằng xe taxi tại Thủ đô.


17 doanh nghiệp taxi không có giấy phép kinh doanh bị phát hiện gồm: Hữu Nghị, Chiến Thắng, Airport, Hoàng Gia, Bông Sen, Bình Minh, Hà Nội Mới, Vạn An, Việt Nam 58, Kim Anh, Mê Kông, Hà Đông Mới, Sao Thủ Đô, Song Mã, Trường Sơn, Xuân Mai, Vạn Phúc. Với những doanh nghiệp này, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu phải hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp nộp Sở trước ngày 30/6. Sau thời hạn này, nếu doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh, Sở sẽ đình chỉ hoạt động và xử lý theo luật định.

Chưa hết, taxi “dù” hoạt động ngang nhiên trên nhiều đường phố cũng đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý. Taxi "dù" là loại taxi không có đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng có thẩm quyền, tức là không có giấy phép kinh doanh taxi. Các “hãng” taxi này cũng không có trung tâm điều hành liên lạc, kiểm soát an toàn giao thông (ATGT), côngtơmét tính tiền thường bị tháo kẹp chì, chỉnh lại. Dạng taxi này tự phát, tự gắn lôgô, số điện thoại và bắt khách ở mọi lúc mọi nơi, hoạt động mạnh nhất vào ban đêm, sẵn sàng chặt chém, lạng lách và thậm chí cả cuỗm hành lý, đe dọa mạng sống của hành khách... Có những chiếc taxi “dù” vẫn có biển số hay số điện thoại đẹp, dễ nhớ và thương hiệu “nhái” để “đánh lừa” khách hàng ở các bến xe, cổng bệnh viện, trung tâm giải trí, danh lam, thắng cảnh, trước cửa khách sạn, nhà hàng lớn... nhưng vẫn không thiếu đất hoạt động và chỉ khi hành khách bị “móc túi” xong mới nhận ra taxi “dù”.


Kết quả kiểm tra của Sở GTVT Hà Nội cũng đã chỉ ra một thực tế, không ít xe taxi hiện nay, vì lợi nhuận nên bỏ qua chất lượng dịch vụ. Các hãng xe có nhiều xe vi phạm chủ yếu là lỗi lặp đi lặp lại, biết nhưng vẫn vi phạm, như chưa thực hiện kê khai, đăng ký giá cước theo quy định, không có sổ kiểm tra kỹ thuật hoặc các giấy tờ khác chứng minh phương tiện đủ điều kiện đưa vào khai thác, lái xe hoạt động quá số giờ quy định... Còn theo khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, trong số hơn 17.000 xe taxi đang hoạt động tại Hà Nội, có khoảng 14.000 xe hoạt động tại 10 quận nội thành. Đó là chưa kể tại khu vực sân bay Nội Bài hiện có 4 hãng taxi hoạt động với khoảng 700 xe thường xuyên đưa khách từ sân bay vào trung tâm thành phố và ngược lại, tính trung bình, mỗi km2 đường đô thị hiện phải "gánh" 16 xe taxi hoạt động. Chính sự “chen chúc” này đã dẫn đến tình trạng “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi” và tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trong nội thành.

 

Hà Nội sẽ quản lý taxi theo vùng và màu sơn


Khắc phục tình trạng trên, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã hoàn thành dự thảo đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi tại Hà Nội giai đoạn từ năm 2012 - 2015 và 2015 - 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2015, các xe taxi đăng ký mới sẽ thực hiện chuyển đổi màu sơn và đến năm 2015 toàn bộ taxi cùng một màu sơn; bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn và mẫu hóa đơn do Sở Tài chính ban hành. Dự thảo đề án cũng dự báo, tổng số taxi của thành phố đến năm 2015 khoảng 21.000 xe và đến 2020 khoảng 26.000 xe, trên cơ sở đó đưa ra 7 nhóm giải pháp siết chặt hoạt động vận tải khách bằng taxi như: Bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải taxi; phân vùng hoạt động vận tải taxi; quản lý khai thác vận tải taxi bằng tổng đài dùng chung; quản lý đối với phương tiện...


Thực hiện đề án này, giai đoạn năm 2012 - 2015, Hà Nội sẽ tập trung hạn chế taxi hoạt động trong vùng trung tâm như: Tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi; đấu thầu hoạt động khai thác vận tải hành khách bằng taxi trong vùng trung tâm; taxi hoạt động trong vùng trung tâm phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô; các phương tiện taxi ở trong vùng trung tâm được đón trả khách ở ngoài, các phương tiện taxi hoạt động ngoài vùng trung tâm không được vào trong vùng đón khách. Bên cạnh đó, các xe taxi đăng ký mới sẽ thực hiện chuyển đổi màu sơn và đến năm 2015 toàn bộ taxi cùng một màu sơn, bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn và mẫu hóa đơn do Sở Tài chính ban hành. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn bộ taxi hoạt động tại Hà Nội sẽ thống nhất màu sơn theo vùng, các hãng khác nhau thì gắn thêm lôgô hãng kèm theo. Phương tiện hoạt động ngoài vùng trung tâm mang màu sơn khác với màu sơn xe hoạt động trong vùng trung tâm; taxi đưa đón khách sân bay có màu sơn riêng, nhằm xóa bỏ tình trạng bán thương hiệu, bán lôgô hãng cho xe cá nhân.


Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách bằng taxi, nhất là việc nâng cao ý thức tuân thủ các quy định hãng, quy định pháp luật về trật tự ATGT cho đội ngũ lái xe, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với các cơ quan chuyên ngành tăng nặng hình thức xử lý kỷ luật đối với các trường hợp lái xe vi phạm như đình chỉ, thậm chí đuổi việc và phải sau 3 năm khi qua một lớp tập huấn mới được trở lại hành nghề lái taxi. Biện pháp này theo thanh tra giao thông sẽ hạn chế được tình trạng lái xe sau khi bị đuổi việc từ hãng này có thể xin lái xe hãng khác.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN