Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, đây là vụ hủy hoại rừng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương để chiếm đất sản xuất.
Nhận được thông tin từ người dân, ngày 3/5, phóng viên TTXVN đã vượt quãng đường hơn 100 km từ thành phố Đà Lạt xuống địa bàn xảy ra vụ việc.
Hiện trường vụ việc tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà - Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai quản lý. Khu vực này là diện tích rừng thông, được trồng cách đây gần 20 năm. Những cây thông lớn có đường kính gốc từ 25 - 40cm mọc san sát nhau, đều tăm tắp, cao vút nổi bật lên giữa bao quanh là nương rẫy trồng cà phê, hoa màu của người dân trong khu vực.
Tại hiện trường, phóng viên chứng kiến cả cánh rừng thông rộng hơn 10 ha đã chết đứng, cành lá chuyển sang màu đỏ và bắt đầu khô rụng, không thể cứu chữa.
Qua quan sát, số lượng cây thông bị chết trong khu vực lên tới 3.000 - 4.000 cây san sát nhau. Mỗi gốc cây đều có các vết bị dao rựa đi rừng bạt đi phần vỏ, có 1 lỗ khoan to bằng đầu đũa, khoan sâu vào thân cây khoảng 15 - 20 cm, đang sùi nhựa trắng đục. Rải rác trong rừng là những chai nhựa màu trắng đục đã bị bóc đi phần nhãn mác bằng giấy, phần dập nổi có nhãn hiệu “Thanh Sơn”, giống như vỏ loại thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng trên thị trường.
Tiểu khu 292 có gần 60 ha rừng trồng của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai còn trụ lại được. Các diện tích rừng tự nhiên khác xung quanh đó đã bị lấn chiếm để làm nương rẫy từ nhiều năm nay, mà chính quyền địa phương không kiểm soát được.
Từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích rừng trồng của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai liên tiếp bị lâm tặc tấn công để chiếm đất ở mức độ nhỏ lẻ, nhưng chưa được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phối hợp xử lý dứt điểm. Khu vực trên khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại nằm gần Quốc lộ 28 và tuyến tỉnh lộ ĐT275 nên trở thành miếng mồi béo bở cho nhiều đối tượng xấu.
Báo Tin tức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.