Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu huyện Lâm Hà chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND thị trấn Nam Ban kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất, rừng, xây dựng khi để xảy ra các sai phạm tại địa bàn và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/10.
Đồng thời, huyện Lâm Hà củng cố hồ sơ, truy tìm đối tượng đã triệt hạ 21 cây thông (trên diện tích gần 500 m2) thuộc khoảnh 4, tiểu khu 270 (tổ dân phố Chi Lăng, thị trấn Nam Ban) để xử lý theo quy định; đối với hơn 60 cây thông bị ken gốc thuộc khoảnh 4, tiểu khu 270 (tổ dân phố Thăng Long, thị trấn Nam Ban), các đơn vị liên quan tổ chức chặt hạ, thu gom và trồng cây thông thay thế.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng san gạt, lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép… xảy ra tại tiểu khu 270 trong suốt thời gian qua.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, ngày 4/9, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cùng lực lượng Kiểm lâm địa bàn đã đến kiểm tra hiện trường vụ cưa hạ rừng thông 30 năm tuổi xảy ra tại Tiểu khu 270, lâm phần do Ban Quản lý rừng Nam Ban (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) quản lý.
Tại hiện trường, hàng chục cây thông đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang, vết cưa còn rất mới. Nhiều gốc cây thông còn ứa nhựa, lá chỉ hơi úa vàng. Xung quanh còn có những cây thông bị cưa hơn một nửa thân cây, mục đích làm cây tự gãy đổ nếu có gió mạnh. Những cây thông trên có đường kính gốc từ 35 - 45cm, cao từ 20 - 30 m.
Điều đáng nói, hiện trường vụ cưa hạ thông nằm sát khu dân cư, chỉ cách UBND thị trấn Nam Ban chừng 1 km, nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cũng gần vị trí thông bị cưa hạ, hàng chục cây thông khác đã bị ken gốc (chặt hoặc khoan vào gốc thông rồi đổ thuốc diệt cỏ vào).
Được biết, khu vực rừng thông bị cưa hạ đã được giao cho 7 hộ dân nhận khoán bảo vệ theo chương trình chi trả Dịch vụ môi trường rừng.