Sau hơn 10 ngày xét xử, sáng 27/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội do bị cáo Phạm Thị Bích Lương (sinh năm 1969, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) cầm đầu cùng 17 đồng phạm khác.
Theo đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Thanh Tân (nguyên Tổng giám đốc Agribank), giữ nguyên mức án 22 năm tù cho 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa cấp phúc thẩm kết luận: Bị cáo Tân cùng một số thành viên Hội đồng quản trị Agribank đã ký nâng quyền phán quyết cho Agribank Nam Hà Nội cho đối tác, khi các công ty trên không có tài sản đảm bảo.
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, quê Nam Định) – nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Ngoài ra, việc bị cáo Tân còn ký phê duyệt cho vay 50 triệu USD là trái thẩm quyền để Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội giải ngân cho Liên doanh Lifepro Việt Nam.
Tòa cấp phúc thẩm cũng tuyên giữ nguyên mức án đối với 2 bị cáo Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) và Chử Thị Kim Hiền (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) cùng bị tuyên phạt 30 năm tù về hai tội danh: “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tòa đã bác đơn xin miễn trách nhiệm dân sự của bị cáo Lương và xác định, bị cáo Lương ký vào tờ trình không đúng sự thật để nâng quyền phán quyết, còn cấp dưới của bị cáo Lương tham gia hoàn thiện hồ sơ. Các bị cáo trực tiếp thực hiện cho các công ty vay vượt mức hạn, không có tài sản đảm bảo. Mặc dù các bị cáo trình bày không vụ lợi trong việc cho vay, song tài liệu thể hiện, việc nhận 500.000 USD và 3 tỷ đồng của đối tác chứng minh ý thức chủ quan vi phạm pháp luật. Bị cáo Lương bị buộc phải liên đới bồi thường gần 1.378 tỷ đồng (ở cấp sơ thẩm tuyên là gần 1.600 tỷ đồng), còn bị cáo Hiền bị buộc bồi thường 381 tỷ đồng. Đề đảm bảo thi hành án, Tòa đã tuyên tiếp tục phong tỏa các tài khoản và thu giữ chiếc xe ô tô hiệu Bentley của bị cáo Lương.
Với nhóm tội “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”, Tòa cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo: Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (nguyên Trưởng phòng thanh toán quốc tế Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) lĩnh 13 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Thanh (nguyên Phó Trưởng phòng thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) bị phạt 13 năm tù. Trương Thị Út (nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) lĩnh 7 năm tù, buộc phải bồi thường hơn 8 tỷ đồng.
Về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Tòa đã tuyên y án sơ thẩm 4 năm tù đối với cả 2 bị cáo: Kiều Trọng Tuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách Agribank) và Đỗ Quang Vinh (nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp Agribank).
Trong số 17 bị cáo kháng cáo, Tòa cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận đơn của 9 bị cáo nguyên là cán bộ Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và Chi cục Hải quan Hà Tây. Cụ thể, ở nhóm tội danh “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”, Tòa tuyên phạt: Đỗ Tiến Long (nguyên cán bộ tín dụng Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) lĩnh 14 năm tù, giảm 2 năm so với án sơ thẩm; Đặng Quang Chung (nguyên Phó Trưởng phòng Phụ trách phòng tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) lĩnh 13 năm tù, giảm 2 năm so với án sơ thẩm.
Ở nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Tòa đã tuyên phạt: Hoàng Anh Tuấn (nguyên Ủy viên HĐQT Agribank) lĩnh 5 năm tù, giảm 1 năm so với án sơ thẩm; Phan Quý Dương (nguyên chuyên viên Ban tín dụng doanh nghiệp Agribank) lĩnh 4 năm tù, giảm 1 năm so với án sơ thẩm; Hoàng Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) lĩnh 2 năm tù treo (án sơ thẩm là 2 năm tù giam).
4 bị cáo còn lại nguyên là các cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây gồm: Lương Thị Yên (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Cục Hải quan Hà Nội), Hoàng Tuấn Khanh, Đỗ Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Thúy Hằng đã được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao chấp nhận kháng cáo xin chuyển thành án treo, giảm án xuống bằng thời gian tạm giam. Tại bản án sơ thẩm, 4 bị cáo này đều bị tuyên phạt 30 tháng tù về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án, duy nhất có bị cáo Lê Minh Hiếu (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietmade và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, cổ đông Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) rút đơn xin kháng cáo. Tại cấp sơ thẩm, Hiếu bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch đầu tư và một số cơ quan khác cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời xử lý vi phạm đối với các công ty, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, ngăn chặn hành vi lừa đảo, chiếm đoạt.