Hiện nay, Khu công nghiệp Lương Điền- Cẩm Điền vẫn chưa thể triển khai vì những hộ dân chưa chấp thuận bồi thường đã cắm cờ Tổ quốc cản trở việc triển khai dự án. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN |
Tại buổi đối thoại có ý kiến của các hộ dân kiến nghị với cơ quan chức năng, tập trung vào các nội dung như: Việc thu hồi đất từ khi Quyết định 2078 năm 2008 do ông Phan Nhật Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký; Quyết định 1144 do ông Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng - Trần Duy Giới ký là không đúng theo trình tự của Pháp luật cho nên 98 hộ dân không nhận tiền đền bù và có khởi kiện từ năm 2010, giá đền bù ban đầu là 16,2 triệu đồng/sào, nhân dân không đồng tình, sau đó nhà nước đền bù tăng lên 23,4 triệu đồng/sào; Người dân sống bằng nghề nông nghiệp, đề nghị Nhà nước khi thu hồi đất cần có chính sách hỗ trợ cho nhân dân.
Các hộ dân cũng đề nghị phải cho 1 luật sư đại diện cho toàn bộ người dân để đối thoại với chính quyền... Trả lời các kiến nghị, Ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: Theo quy định của pháp luật, nội quy buổi đối thoại phải đúng thành phần.
Nhân dân có nhờ Luật sư Lương Văn Tuấn - Đoàn luật sư An Thái tại buổi đối thoại phải có giấy ủy quyền hợp pháp, tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Tổ chức, hiện tại Đoàn luật sư An Thái không xuất trình được giấy ủy quyền hợp pháp để tham gia đối thoại.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Dương cho biết: Việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất phát triển khu công nghiệp nói chung và khu công nghiệp Cẩm Điền, Lương Điền nói riêng là đúng, phù hợp với quy định của Luật đất đai 2003.
Theo Quy định, sau khi có Quyết định thu hồi đất, thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng để kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, đơn giá bồi thường đất là 16,2 triệu đồng theo quyết định giá đất tại thời điểm khi thu hồi đất.
Luật Đất đai năm 2003 quy định: Giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 1/1 hàng năm được sử dụng làm căn cứ để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Căn cứ Quyết định số 4615/2007/QĐ-UBND quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2008, trong đó giá đất nông nghiệp là 38.000 đồng/m2.
Điều 17 của Quyết định 1795/QĐ-UB ngày 5/5/2005 của UBND tỉnh Hải Dương quy định: Hỗ trợ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ổn định đời sống, ổn định sản xuất, tự chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm là 7.000 đồng/m2; Tổng cộng mức bồi thường, hỗ trợ là 16, 2 triệu đồng/sào.
Căn cứ Điều 21 Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND ngày 29/8/2008 UBND tỉnh Hải Dương quy định: Mức hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất là 7.000 đồng/m2; mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm là 20.000 đồng/m2. Tổng mức bồi thường là 23,4 triệu đồng/sào.
Khi tiến hành dự án, trên 1.000 hộ gia đình đã đồng thuận, chấp nhận nhất trí, chỉ còn khoảng 100 hộ chưa đồng thuận nhất trí, chiếm 8,01% không chịu nhận tiền đền bù hoặc nhận ruộng canh tác. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng khẳng định, huyện Cẩm Giàng và các cấp, các ngành sẽ tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các hộ dân có đất bị thu hồi, của nhà đầu tư cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, xúi giục, kích động, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, cổ vũ người khác không bàn giao đất, gây rối trật tự công cộng.