Theo đó, 6 cán bộ bị khai trừ Đảng gồm:
Ông Nguyễn Đức, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, bị xử phạt 54 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Ngô Văn Bằng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Đa, bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Ngô Xuân Hiền, đảng viên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku bị xử phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Lê Huy Phong, Chi ủy viên Chi bộ Ban Quản lý Trung tâm thương mại, thành phố Pleiku, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư - Phù Đổng, bị xử phạt 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Tưởng Tín, đảng viên Chi bộ 6, Đảng bộ phường Tây Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Mã Phi Bình, đảng viên Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Diên Phú bị xử phạt 18 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân, việc khai trừ Đảng được tiến hành sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng có bản án phúc thẩm đối với 12 bị can, trong đó có 6 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Pleiku. Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định: “Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng” để áp dụng hình thức kỷ luật đối với các đảng viên có sai phạm.
Trước đó, ngày 15/9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku, xã Trà Đa, xã Diên Phú…
Theo cáo trạng, từ năm 2010-2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để xảy ra các sai phạm tài chính, gây thiệt hại ngân sách gần 1,5 tỉ đồng; làm mất gần 64.000 m2 đất rừng, trong đó hơn 47.000 m2 đất lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái luật cho cán bộ thuộc Ban quản lý. Trong vụ án này, tổng mức án 12 bị cáo bị tuyên phạt là gần 200 tháng tù giam.
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét hành vi của ông Bùi Tiến Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch thành phố Pleiku. Lý do, ông Dũng đã ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân liên quan trong vụ án khi không đầy đủ thủ tục, điều kiện theo quy định, để một số đối tượng hợp thức hóa quyền sử dụng đất đối với các diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm. Sai phạm này là nghiêm trọng, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa xem xét xử lý theo quy định là xử lý vụ án chưa toàn diện, triệt để.