Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Văn Hùng nêu rõ, sáng 13/3, nhận được phản ánh của người dân, cán bộ xã đã cùng lực lượng Công an, Viện Kiểm sát huyện Đăk Đoa xuống xác minh, điều tra làm rõ đối tượng chặt phá vườn cà phê của các hộ dân. Những diện tích đất trồng cà phê này đang thuộc diện tranh chấp của các hộ dân với gia đình ông D.K.T.
Báo cáo của xã Ia Bang ghi nhận, tại hiện trường, hàng trăm gốc cây cà phê bị chặt phá nằm xen trong vườn cao su ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại. Kiểm đếm sơ bộ có khoảng hơn 1.000 cây cà phê bị chặt phá (có tuổi đời khoảng 2- 4 năm) trên diện tích khoảng 1 ha. Các đối tượng chủ yếu chặt phá ở phần thân cây. Đây là vườn cà phê của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chung nhau trồng và chăm sóc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ việc chặt phá vườn cà phê đã tái diễn trong nhiều năm, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ dân trong vùng. Tuy nhiên, sự việc chưa được các lực lượng chức năng giải quyết dứt điểm khiến tình trạng trên vẫn tái diễn trong thời gian qua.
Trước đó, năm 2020 cũng đã xảy ra sự việc gần 2.000 cây cà phê bị chặt phá trong đêm tại thôn làng O Ngó. Trong đó, phần lớn cây có tuổi đời từ 3-4 năm chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Theo nhiều hộ dân, trước đây diện tích đất trồng cà phê thuộc sở hữu của dân làng. Năm 1984, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê Mang Yang đã đến làng vận động người dân góp đất, doanh nghiệp bỏ cây giống, phân bón để trồng cao su. Tuy nhiên sau đó, Công ty đã sang nhượng lại diện tích cao su cho ông D.K.T. Khi ông T. chặt bỏ cây cao su, người dân đã đòi lại đất. Từ đó, việc tranh chấp đất đai giữa người dân và ông D.K.T. kéo dài trong nhiều năm...