Thông tin trên vừa được đăng tải trên một số báo chí, website về việc Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) vừa chính thức đưa cá tra vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 - 2011, khuyên người tiêu dùng toàn cầu nên lựa chọn thủy sản khác thay thế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn khẳng định, đây là khuyến cáo thiếu cơ sở khoa học mang dụng ý không tốt, làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất cá tra của Việt Nam cũng như người tiêu dùng trên thị trường quốc tế.
Thu hoạch cá tra phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu tại phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Sẽ chất vấn làm rõ với WWF tại Việt Nam
Ông Tuấn cho biết, đây là thông tin không đầy đủ, kể cả tiêu chuẩn, cơ sở WWF áp dụng là không đúng, mới chỉ dựa vào thông tin một chiều. Ông cho rằng, việc WWF đưa ra không dựa trên bất cứ một tiêu chí nào; chưa nhìn nhận đúng thực tế. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa các nước với nhau. Phó Cục trưởng cũng lưu ý, thông tin trên là được đưa ra trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 chỉ của WWF tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch chứ không phải là của WWF thế giới. Ngay trong đầu tuần tới, Tổng cục Thủy sản sẽ có buổi họp báo để đối thoại, chất vấn, làm sáng tỏ với đại diện WWF tại Việt Nam về vấn đề này.
Khẳng định về vấn đề trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho rằng: Cẩm nang của WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ với lý do chủ yếu là môi trường, thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề", tuy nhiên đã không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh cho điều đó.
Trong những năm gần đây, cá tra là một trong những loài thủy sản luôn được người tiêu dùng châu Âu lựa chọn trong các bữa ăn gia đình do chất lượng an toàn với giá cả phải chăng. Các nghiệp đoàn và tổ chức khai thác cá thịt trắng tại châu Âu cạnh tranh không được nên đã mở nhiều chiến dịch bôi xấu cá tra về môi trường nuôi. Nhưng thực chất từ năm 2004, cá tra Việt Nam đã được nuôi trong ao, đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 CM do Hiệp hội Tiếp thị Thực phẩm (FMI) Mỹ làm chủ sở hữu và điều hành. Tiêu chuẩn này đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt cả của Mỹ và nhiều nước khác, cũng như thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng ở các thị trường.
Các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam luôn cập nhật thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế liên tục được đặt ra và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Hiện nay, hầu hết DN chế biến và XK cá tra Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm XK nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Gobal GAP. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang được XK đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản... Khối lượng XK cá tra sang các thị trường luôn tăng trưởng đều đặn hằng năm. Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra Việt Nam không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Vasep đã có ngay bức thư gửi người đứng đầu WWF Mark Powell để phản đối và Vasep đã mời đại diện WWF sang Việt Nam đi thực tế thăm các trại nuôi cá cũng như toàn bộ quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá tra. Ông Mark Powell đã đồng ý tháng 5/2011 sẽ sang Việt Nam.
Thúy Hiền-TTXVN