Doanh nghiệp lớn cũng thờ ơ với bản quyền

Đợt thanh tra đột xuất của đoàn Thanh tra Liên ngành (gồm thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50) đã diễn ra tại Công ty TNHH Tin học Thành Nhân (số 174 - 176 - 178, đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phẩn sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Viễn Thông A (số 74 đường Cách mạng Tháng 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Đoàn đã phát hiện nhiều máy tính cài đặt trái phép các phần mềm Microsoft không bản quyền gồm Windows 8, Windows 7 Ultimate, Office 2013 Pro Plus, Office 2010 Pro Plus, Office 2007 Enterprise và một số phần mềm khác.

 

Doanh nghiệp Thành Nhân, một trong hai đơn vị vi phạm bản quyền phần mềm vừa bị phát hiện.


Điều đáng nói là Công ty Viễn Thông A và Thành Nhân đều là những thương hiệu lớn, được khẳng định tại thị trường Việt Nam. Nếu như Viễn Thông A sở hữu gần 100 siêu thị và trung tâm bảo hành, thì Công ty TNHH Tin học Thành Nhân có đến 6 năm liền được bình chọn là đơn vị bán lẻ phần cứng CNTT hàng đầu Việt Nam. Sự việc trên đã khiến đại bộ phận người tiêu dùng cảm thấy hoang mang và mất lòng tin khi mua hàng tại những công ty có tên tuổi lớn trên thị trường.


“Theo một cuộc thăm dò của Microsoft, 28% người trả lời thăm dò cho biết các lỗ hổng do mạng, máy tính hay lỗi trang web xảy ra đều đặn trong vài tháng và nhiều hơn. Trong số các nguyên nhân lỗi, 65% liên quan đến phần mềm độc hại trên máy tính của người dùng. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng phải tốn 25 tỷ USD và 1,5 tỷ giờ trong năm 2014 để giải quyết các vấn đề an ninh do phần mềm độc hại trong các phần mềm vi phạm bản quyền tạo ra. Trong số các máy tính được mua ở 11 quốc gia trong năm 2013 với phần mềm vi phạm bản quyền, 61% máy bị nhiễm phần mềm độc hại”, một chuyên gia cho biết.


“Vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm đang khiến các cơ quan chức năng và chủ sở hữu bản quyền căng thẳng và liên tục phải tìm ra hướng giải quyết triệt để. Đáng lẽ ra các hệ thống bán lẻ máy tính như Viễn Thông A và Thành Nhân phải đóng vai trò là kênh truyền thông hiệu quả giúp tư vấn cho người tiêu dùng về những rủi ro của việc sử dụng phần mềm không bản quyền, đồng thời đưa ra định hướng chuẩn xác giúp người dùng có được lựa chọn đúng đắn và hợp lý nhất với các sản phẩm CNTT hợp pháp, thì chính họ lại vì mục tiêu lợi nhuận mà vô hình chung đã đẩy khách hàng vào những rủi ro lớn trong quá trình sử dụng máy tính bị cài phần mềm bất hợp pháp”, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.


Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, song song với việc tuyên truyền về luật sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng nên áp dụng các biện pháp thực thi mạnh mẽ hơn. Mới đây nhất, vụ kiện vi phạm bản quyền phần mềm của Microsoft và Lạc Việt đối với công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam đã đi đến thỏa thuận đền bù, trong đó Gold Long John sẽ công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm, khoảng hơn 1 tỷ đồng. Sự việc trên đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác đấu tranh chống lại vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam khi kênh tòa án được đưa vào áp dụng xử phạt sau gần 10 năm chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính. Đồng thời, đây cũng là một động thái tích cực nhằm cảnh báo trên diện rộng, từ đó giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.


D.H

Doanh nghiệp đầu tiên bị kiện vi phạm bản quyền phần mềm
Doanh nghiệp đầu tiên bị kiện vi phạm bản quyền phần mềm

Sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính, giờ đây, kênh tòa án đã được các doanh nghiệp chọn để giải quyết các vụ vi phạm bản quyền phần mềm: Ngày 18/12, Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam đã chính thức bị khởi kiện ra tòa do vi phạm bản quyền phần mềm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN