Doanh nghiệp đầu tiên bị kiện vi phạm bản quyền phần mềm

Sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính, giờ đây, kênh tòa án đã được các doanh nghiệp chọn để giải quyết các vụ vi phạm bản quyền phần mềm: Ngày 18/12, Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam đã chính thức bị khởi kiện ra tòa do vi phạm bản quyền phần mềm.

Họp báo công bố việc khởi kiện Công ty Long John Dong Nai vì vi phạm sở hữu trí tuệ.

Trao đổi với Tin Tức, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, ở Việt Nam đã có nhiều vụ kiện ra tòa trong lĩnh vực bản quyền ở Việt Nam, tuy nhiên, trong lĩnh vực vi phạm bản quyền phần mềm máy tính thì đây là vụ kiện đầu tiên. Như vậy, sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính, giờ đây, kênh tòa án đã được các doanh nghiệp chọn để giải quyết các vụ vi phạm bản quyền phần mềm. Theo các nhà quản lý, đây là một “bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam, được khởi động từ năm 2004”.


Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Dong Nai) là một doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất vải dùng để làm giày dép cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Converse… có trụ sở tại KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Doanh nghiệp này đã bị Công ty Lạc Việt và Công ty Microsoft Việt Nam cáo buộc hành vi sử dụng lượng phần mềm lớn bất hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của hai doanh nghiệp phần mềm này.


Vụ việc vi phạm diễn ra vào tháng 6/2013. Trong đợt thanh tra đột xuất do Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, phòng 4/C50-Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) phối hợp thực hiện tại Công ty Long John Dong Nai, đã tìm thấy lượng phần mềm lớn không có bản quyền của Lạc Việt và Microsoft được cài đặt bất hợp pháp trong 69 máy tính được sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty này. Số phần mềm bất hợp pháp ước tính lên tới gần 1 tỷ đồng. Công ty Long John Dong Nai đã ký vào Biên bản thanh tra, thừa nhận có hành vi sao chép, sử dụng phần mềm máy tính không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.


Trước sự việc này, hai đơn vị chủ sở hữu là Công ty Lạc Việt và Công ty Microsoft đã quyết định khởi kiện Công ty Long John Dong Nai vì hành vi vi phạm bản quyền. Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Lạc Việt, cho biết: “Được sự khuyến khích của các cơ quan thực thi và sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã quyết định gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và đã được chấp thuận. Là doanh nghiệp phần mềm phải chịu tổn thất nặng nề do hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền của các doanh nghiệp như Công ty Long John Dong Nai gây ra, chúng tôi hy vọng rằng, quyền lợi hợp pháp của chúng tôi sẽ được pháp luật bảo vệ".


"Hiện đơn kiện của Công ty Lạc Việt và Công ty Microsoft đã được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thụ lý giải quyết", ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ.


Ông Thành cho biết, cá nhân ông, ông rất khuyến khích các doanh nghiệp khởi kiện, bởi giải quyết bằng luật là cách giải quyết tốt nhất, triệt để nhất trong lĩnh vực vi phạm bản quyền nói chung và vi phạm bản quyền phần mềm nói riêng. "Trong tương lai chúng ta cần chọn cách giải quyết này, chứ không phải chỉ xử lý hành chính như lâu nay. Tranh chấp sở hữu trí tuệ thì phải giải quyết bằng tòa án, bởi đó là tranh chấp về tài sản", ông Thành nhấn mạnh.


Cũng theo ông Thành, lâu nay chủ sở hữu vẫn ngại chọn giải pháp ra tòa, mà muốn "xử lý hành chính" cho nhanh và ít phiền phức. Tuy nhiên đây là nhận thức chưa đúng đắn, vì phần mềm là tài sản, vi phạm sở hữu trí tuệ là liên quan đến tài sản, nên phải giải quyết bằng tòa án thì mới triệt để nhất và tốt nhất. "Tất nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải nâng cao năng lực hoạt động của toà án, giảm bớt những phiền phức, nhiêu khê, đồng thời nếu tiến tới các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đều giải quyết bằng tòa thì cũng cần có những thẩm phán trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp hơn, qua đó tạo niềm tin cho chủ sở hữu trí tuệ để họ sẵn sàng ra tòa", ông Thành khẳng định.


Đánh giá về vấn đề này, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á- Thái Bình Dương của BSA (Liên minh phần mềm) cho biết: “Ở các nước trong khu vực, việc đưa các vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền phần mềm ra tòa là khá phổ biến. Đây cũng là kênh xử lý hữu hiệu giúp giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở các quốc gia đó. Với việc lần đầu tiên vụ việc về vi phạm bản quyền phần mền tại Việt Nam được đưa ra tòa án, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là một kênh xử lý hiệu quả để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam xuống 70% trong vòng 5 năm tới. Vụ việc này cũng sẽ buộc các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam phải tôn trọng hơn với luật pháp Việt Nam, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm máy tính".

Trong năm 2013, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã thanh tra gần 100 đơn vị, xử phạt gần 2 tỷ đồng, tuy nhiên con số này giảm nhiều so với những năm trước. Đặc biệt điều đáng mừng là số lượng doanh nghiệp đã mua phần mềm tăng hơn rất nhiều, trước đây thanh tra "sờ" tới doanh nghiệp nào cũng thấy dùng phần mềm không bản quyền.


T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN