Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý vụ phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk).

Trước đó, ngày 14/11, qua tin báo của quần chúng nhân dân, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát hiện vụ phá rừng tại các tiểu khu 622, 618 thuộc lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Sau khi kiểm đếm, xác định có 81 cây gỗ có đường kính từ 30 – 60cm bị khai thác trái pháp luật, gồm: 2 cây gáo vàng, 1 cây bằng lăng và 78 cây căm xe đã bị lấy đi một phần thân, tổng số gỗ còn lại tại hiện trường là 41,602 m3. Thời gian bị cắt hạ khoảng đầu tháng 11/2020.

Đây là vụ khai thác gỗ nghiêm trọng, phức tạp, khối lượng lâm sản thiệt hại lớn và diễn ra gần Trạm Kiểm lâm số 5 (Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô). Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có công văn chỉ đạo các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương huyện Ea Kar khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra tại lâm phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Liên quan đến vụ việc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar, Công an huyện Ea Kar phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật; đồng thời điều tra, làm rõ có hay không việc bảo kê, tiếp tay của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của vụ việc trên.

Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

PV (TTXVN)
Thủ đoạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi
Thủ đoạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi

Nhiều đơn vị chủ rừng tại Đắk Nông đang “than thở” công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng khó khăn. Nguyên nhân một phần do thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi, khó xử lý, một phần do nguồn lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng eo hẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN