Ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3825/VPCP-V.I (“Công Văn 3825”) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Theo đó đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.
Lực lượng chức năng Quảng Ninh bắt vụ vận chuyển 35 ngàn bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Các doanh nghiệp thuốc lá cho rằng, việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.
Theo quy định tại Điều 15 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải ghi nhãn bằng tiếng Việt; in cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh; dán tem hoặc in mã số, mã vạch; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam.
Ngoài ra, trên mỗi sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng. Hầu hết các chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam đều không đáp ứng, tuân thủ đầy đủ quy định. Đáng lưu ý là tất cả các loại thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam hiện nay đều không phù hợp với quy chuẩn.
Chính vì vậy, việc thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, không phải đáp ứng tất cả những yêu cầu chặt chẽ, mà vẫn được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa như thuốc lá hợp pháp là không phù hợp với các quy định hiện hành.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam.
Hơn nữa, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…
Đối với việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu: điều này vừa không thực tế lại vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, việc cho phép tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, không đảm bảo hiệu quả. Việc tái xuất chỉ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, tạo điều kiện để thuốc lá nhập lậu được đưa trở lại Việt Nam một cách dễ dàng hơn và vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.
Việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đã từng được thực hiện theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21/8/2012. Sau hai năm thực hiện thí điểm, thực tế đã cho thấy phương án này có quá nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện.
Tại Quảng Trị, lực lượng chức năng đã từng đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ sau một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại nhập lậu này lại thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, xét về mặt pháp lý tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là không phù hợp với quy định của Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (“FCTC”). Theo quy định tại Khoản 4(c) Điều 15 FCTC, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu phải được tiêu hủy.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2371/QĐ-TTg năm 2014 về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu (hiện vẫn đang còn hiệu lực), thay thế Quyết định số 1112/QĐ-TTg.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì thực hiện bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.