Theo ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội và Quyết định 205/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm mô hình dạy nghề kèm cặp cho người sau cai nghiện tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trước mắt, trong năm 2012, thành phố sẽ thực hiện thí điểm tại quận 6, quận 11 và huyện Củ Chi.
Kinh phí thực hiện mô hình này sẽ do UBND phường, xã, thị trấn thanh toán cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất với mức 1 triệu đồng/người sau 6 tháng kể từ ngày người sau cai nghiện vào học nghề và làm việc. UBND các quận, huyện nói trên sẽ chọn 1 phường, xã, thị trấn để thực hiện thí điểm. Dự tính, kinh phí thực hiện thí điểm từ năm 2012-2015 là 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Liên quan đến vấn đề giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, thành phố sẽ hỗ trợ vốn vay tối đa 20 triệu đồng cho một hộ gia đình (lãi suất 0,65%/tháng) để sản xuất, kinh doanh. Bình quân hàng năm, số người nghiện được đưa vào các trung tâm cai nghiện là 2.000 người; số người cần dạy nghề tại các trung tâm khoảng 1.300 người. Các nghề đào tạo cho người sau cai nghiện thường là gò-hàn, sửa chữa xe gắn máy, điện gia dụng, điện lạnh, tin học văn phòng, bonsai cây cảnh, thợ xây...
Từ năm 2003 đến nay, thành phố đã tổ chức cho gần 43.000 lượt người sau cai nghiện theo học các lớp văn hóa, cơ bản hoàn thành công tác xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, mở rộng trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông; hơn 31.000 lượt người nghiện đã được tham gia học nghề. Tỉ lệ người sau cai nghiện có việc làm đạt trên 65%, tuy nhiên chất lượng việc làm chưa cao.