Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người ở vùng biên giới Nghệ An

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, tội phạm mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi đã lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ để bán sang nước ngoài.

Đặc biệt, nhiều trường hợp từng là nạn nhân của các vụ mua bán người sau thời gian ở nước ngoài lại quay trở về địa phương cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân, kể cả người thân. Để ngăn chặn vấn nạn trên, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp, bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét. 

Chú thích ảnh
Tuyến đường biên giới (Quốc lộ 16) qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương (tỉnh Nghệ An). Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN

Thủ đoạn tinh vi

Bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cũng như nhiều bản người dân tộc Khơ Mú khác ở Nghệ An, đời sống người dân rất khó khăn. Cũng vì thế mà cách đây không lâu, hàng chục phụ nữ trong bản trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Những người phụ nữ đang mang thai bị các đối tượng dụ dỗ vượt biên qua biên Trung Quốc đẻ rồi bán con. Ngay bản thân những người phụ nữ này cũng không nhận thức được việc bán con là vi phạm pháp luật. Ông Lương Xuân Hiền, Bí thư Chi bộ Bản Đỉnh Sơn 1 cho biết, những năm trước do trình độ nhận thức của bà con trong bản thấp nên một số đối tượng đã lừa gạt, dụ dỗ những người phụ nữ trong bản đang mang thai hoặc đang có con nhỏ đưa sang nước ngoài bán. Từ năm 2019, khi Công an chính quy về bản, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân. Nhờ đó, người dân dần nhận thức đó là hành vi sai trái, tình trạng mua bán người, bào thai không còn. Cuộc sống của người dân trong thôn bản đã ổn định hơn, bà con chăm lo làm ăn phát triển kinh tế.

Ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm chia sẻ, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Khơ Mú. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào có đời sống rất khó khăn, hầu hết là hộ nghèo, lối sống lạc hậu, không biết tiết kiệm; nhận thức về pháp luật rất kém nên ngay việc bán con của mình họ cũng không nghĩ là vi phạm phát luật.

Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền pháp luật cho bà con. Công an, cán bộ xã tích cực nắm thông tin, quản lý những người phụ nữ đang có bầu hoặc có con nhỏ; đồng thời tăng cường kiểm soát, phát hiện các đối tượng lạ mặt xuất hiện trên địa bàn, không để các đối tượng này lôi kéo, dụ dỗ. Đến nay, trên địa bàn xã tình trạng mua bán người, bào thai đã được xóa bỏ.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Là nạn nhân của đối tượng mua bán người, em Moong Thị May, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn bị lừa bán sang nước ngoài vào năm 2014 khi mới 14 tuổi. Lúc đó, các đối tượng hứa với em là đi làm công nhân may ở Bình Dương với lương 6 triệu đồng/tháng. Vì tin tưởng nên em đã đi theo, sau đó sang Trung Quốc em mới biết mình bị bán với giá 200 triệu đồng.

Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Keng Đu, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, nhận đơn tố giác của nạn nhân, Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh triệt phá thành công chuyên án, bắt 2 hai đối tượng là Xeo Văn Thôn và Moong Văn Dục, cùng trú tại bản Đồn Boọng, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn. Trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế, Đảng ủy đơn vị cùng với chính quyền địa phương đã đề ra các biện pháp tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương. Đặc biệt, đơn vị còn cử những cán bộ, chiến sỹ có uy tín với nhân dân trực tiếp vận động các gia đình, cá nhân có nguy cơ bị các đối tượng dụ dỗ để tuyên truyền bà con nhận diện các thủ đoạn mà đối tượng mua bán người thường hay sử dụng. 

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người tại khu vực có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chỉ tính trong năm 2022, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cùng lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện và khởi tố 4 vụ, bắt 6 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người. Tuy nhiên ,chủ yếu là án truy xét, tức là nạn nhân bị bán ra nước ngoài khi trở về tố cáo.

Đại tá Dương Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho rằng, tội phạm mua bán người hoạt động ẩn, thông qua mạng xã hội, zalo, facebook nên công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Để làm tốt công tác phòng ngừa đơn vị sẽ tập trung và đi sâu vào nội dung tuyên truyền; đồng thời, phối hợp với các lực lượng, nhất là Công an để rà soát các đối tượng liên quan. Trên cơ sở phân loại, xác định đối tượng nghi vấn, có tiềm ẩn nguy cơ mua bán người, đơn vị sẽ có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện.

Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tháng 2/2023 UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND. Theo đó, trên cơ sở đánh giá những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người và tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã chỉ ra trong năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người; bảo đảm 100% tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại, 95% số vụ án mua bán người được giải quyết và truy tố.

Văn Tý (TTXVN)
Trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống mua bán người
Trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống mua bán người

Chiều 21/2, Đoàn công tác do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Lào Cai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN