Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Cúc |
Phân tích về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, đại diện Viện kiểm sát bảo lưu quan điểm các bị cáo đã vi phạm Điều 165 qua việc chi lãi ngoài. Số tiền này được lấy từ các tài khoản phục vụ cho ngân hàng và được chi vào hoàn ứng không có chứng từ hợp lệ, rút tiền chi cho các cá nhân không có hóa đơn chứng từ, không có khả năng thu hồi, vi phạm các quy định của Nhà nước, trong đó có Thông tư 02 năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Viện kiểm sát cũng khẳng định quá trình điều tra, xác định hành vi vi phạm của các bị cáo, việc đánh giá các chứng cứ dựa trên quy định của pháp luật và tư duy logic dựa trên mối quan hệ biện chứng, trong đó kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ là một trong các chứng cứ.
Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) giữ quyền công tố tại tòa, nhận định: “OceanBank là một tổ chức tín dụng, dù muốn hay không họ cũng phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng cũng như các quy định khác của Ngân hàng Nhà nước. Trước yêu cầu của Thông tư 02, đáng lý ra OceanBank, nhất là Chủ tịch và Ban Điều hành phải có những giải pháp nâng cao năng lực quản trị, thay đổi phương án quy mô kinh doanh để ngân hàng tồn tại. Tuy nhiên, với những động cơ mang tính cá nhân và nhóm lợi ích, Hà Văn Thắm đã lựa chọn hành vi làm trái pháp luật, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng được chi cho những cá nhân là lãnh đạo các tổ chức có nguồn tiền gửi và đồng thời chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện chủ trương chi lãi suất vượt trần”.
Ông Đào Thịnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia đối đáp tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Cúc |
Công tố viên Đào Thịnh Cường cho biết, trong giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ ai chiếm đoạt, chiếm đoạt như thế nào, nguồn tiền gửi này có phải là vốn nhàn rỗi hay không, là ngắn hạn hay dài hạn. Hành vi Hà Văn Thắm và các đồng phạm trên thực tế đã tiếp tay cho Thắm thực hiện chủ trương làm trái đáng bị lên án và bị xử lý.
“Tuy nhiên, các bị cáo và các luật sư lại cho rằng hành vi chi lãi ngoài là biện pháp chính đáng. Tôi cho rằng luận cứ này không có cơ sở. Không một Nhà nước nào chấp nhận một tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật mà lại coi là chính đáng, trừ trường hợp bất khả kháng được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự. Qua đó thể hiện tính thượng tôn pháp luật”, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường nhấn mạnh.
Về hành vi Chiếm đoạt tài sản liên quan đến tội danh của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong quá trình điều tra và diễn biến xét xử tại phiên tòa, Hà Văn Thắm đã thừa nhận bối cảnh phải thực hiện theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn về việc phải chi lãi ngoài vì Nguyễn Xuân Sơn có lợi thế quá lớn trong việc huy động tiền từ Tập đoàn Dầu khí (PVN). Toàn bộ số tiền này không được hạch toán vào nguồn thu của PVN và đã bị Nguyễn Xuân Sơn dùng vào mục đích cá nhân và chia chác cho các mối quan hệ. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) cũng khai có nhận tiền và đã chi vào việc cá nhân. Do đó, không thể có căn cứ nào như lời trình bày của bị cáo Sơn là sử dụng tiền vào các hoạt động từ thiện, phúc lợi, hay làm quà biếu cho cách lãnh đạo bộ, ngành dưới danh nghĩa PVN. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của PVN.
Về việc các luật sư yêu cầu trả hồ sơ để nhập vào một số vụ án liên quan khác, đồng thời lo ngại rằng nếu tách các vụ án mới được khởi tố sau này ra sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự và dân sự của các bị cáo. Viện kiểm sát khẳng định, quá trình điều tra mở rộng vụ án, nếu xác định được hành vi phạm tội của các bị can khác thì sẽ là thêm đồng phạm với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chứ không ảnh hưởng đến việc kết tội đối với bị cáo này.