Việc BSA/Liên minh Phần mềm, công bố vụ kiện dân sự đối với Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam (Công ty Trimmers) do sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Microsoft (là thành viên của BSA) chiều 24/6, đã cho thấy một động thái mạnh nữa của các cơ quan chức năng trong việc thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam.
BSA│Liên minh Phần mềm, công bố vụ kiện dân sự đối với Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam (Công ty Trimmers). |
Nhận vi phạm nhưng không khắc phục
Công ty Trimmers là một doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất phụ kiện ngành may mặc và túi xách, có trụ sở tại ấp Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trimmers đã bị Tập đoàn Microsoft cáo buộc sử dụng lượng phần mềm lớn bất hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp này nhằm phục vụ cho mục đích vận hành kinh doanh và đã trở thành doanh nghiệp thứ hai bị khởi kiện ra tòa án dân sự do xâm phạm bản quyền phần mềm, sau vụ khởi kiện đầu tiên vào cuối năm 2013.
Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA│Liên minh Phần mềm phát biểu tại họp báo. |
Trên thực tế, vụ việc của Công ty Trimmers cũng đã kéo dài gần 2 năm qua. Theo đó, vào ngày 26/9/2013, lực lượng thanh tra liên ngành bao gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ( BVHTTDL) phối hợp với Phòng 4/ C50, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, đã tiến hành thanh tra đột xuất Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam về việc chấp hành các qui định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính, theo Quyết định số 225/QĐ- TTr ngày 20/9/2013 của Chánh thanh tra Bộ VHTTDL.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Thẩm phán Tòa án kinh tế, Tòa án Nhân Dân TP. Hà Nội, tại buổi họp.
|
Đoàn đã kiểm tra 41 máy tính đang hoạt động tại doanh nghiệp này và tại thời điểm kiểm tra, Công ty chỉ cung cấp được một số ít các phần mềm có bản quyền, còn lại phần lớn là các phần mềm máy tính bất hợp pháp. Trong số các phần mềm bị cài đặt sử dụng trái phép gồm các phần mềm của Microsost, Adobe, Autodesk và Lạc Việt, đều là thành viên của BSA│Liên minh Phần mềm.
“Mặc dù đại diện Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam đã ký vào Biên bản thanh tra thừa nhận có hành vi sao chép, sử dụng phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm luật về SHTT; cam kết chấm dứt hành vi vi phạm, có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu và mua bản quyền máy tính hợp pháp phục vụ cho hoạt động của Công ty; nhưng sau đó doanh nghiệp này đã không hợp tác”, đại diện đoàn Thanh tra cho biết.
“Trong suốt gần 2 năm qua, chúng tôi đã rất nhiều lần tìm cách đàm phám với Công ty Trimmers để dàn xếp vụ việc, nhưng đều không nhận được sự hợp tác của doanh nghiệp này. Trước chủ trương của các cơ quan chức năng khuyến khích các doanh nghiệp bị xâm phạm tự bảo vệ tài sản hợp pháp của mình bằng biện pháp dân sự, chúng tôi đã quyết định đưa vụ việc này lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương và đã được Tòa chấp thuận. Là doanh nghiệp chịu những tổn thất nặng nề về tài chính do các hành vi sử dụng phần mềm trái phép của doanh nghiệp như Công ty Trimmers gây ra, tôi tin tưởng rằng quyền lợi hợp pháp của chúng tôi sẽ được pháp luật Việt Nam bảo vệ chính đáng”, bà Rebecca Ho, Luật sư cao cấp của Microsoft, Khu vực Đông Nam Á, chia sẻ.
Ngày 29/5/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã thụ lý vụ án kinh doanh thương mại theo số 08/2015 /TLST- KDTM về việc “ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” theo đơn khởi kiện của Tập đoàn Microsoft. Ngày 2/7/2015, phiên hòa giải đầu tiên giữa hai bên sẽ được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tiến hành.
Doanh nghiệp cần tôn trọng luật pháp
Đề cập đến xu hướng đưa biện pháp dân sự vào xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Về bản chất, quyền SHTT là quyền công dân, vì thế sử dụng các biện pháp dân sự sẽ là phù hợp nhất và những biện pháp này sẽ phải được đẩy mạnh trong thời gian tới, khi Việt Nam tiếp tục hội nhập. Thậm chí theo xu thế phát triển, thì tương lai Việt Nam sẽ phải hình thành bộ máy chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT và Tòa án SHTT ”.
Còn theo ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA│Liên minh Phần mềm: “Tòa án là một biện pháp phổ biến dùng để xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền phần mềm ở các nước khác trong khu vực. Tôi nhận thấy trong 2 năm gần đây, Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ để chuyển từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự đối với các vụ việc vi phạm quyền SHTT, trong đó có phần mềm. Tôi tin rằng đây sẽ là một biện pháp xử lý hiệu quả góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam trong những năm tới’.
Trên thực tế, việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT đang là một trong những vấn đề ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Rất nhiều các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, kết hợp đồng bộ thực thi đã được đẩy mạnh trong thời gian qua, trong đó có “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” được triển khai do Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ là thành viên của Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền STTT, trong đó có phần mềm máy tính tại Việt Nam.
Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA│Liên minh Phần mềm:
"Khi các doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, họ hoàn toàn có khả năng hiểu biết pháp luật và đủ tiền để có thể sử dụng các phần mềm bản quyền. Nhưng một số doanh nghiệp vẫn vi phạm điều này, đó là vì họ coi thường pháp luật nước sở tại. Có các vụ vi phạm là do các doanh nghiệp nước ngoài không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Luật pháp Việt Nam cơ bản là rất tốt, nhất là đã đủ tiêu chuẩn để gia nhập WTO. Như vừa qua, Bộ VHTT&DL của Việt Nam đã tiến hành tới 15 cuộc thanh tra các vụ vi phạm, đây cũng là một cách để giải quyết tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ (SHTT).
Chúng tôi rất mừng vì luật pháp Việt Nam cho phép chúng tôi có cơ hội để ngồi lại đàm phán với bên vi phạm và có cơ hội khởi kiện bên vi phạm. Lần này số tiền chúng tôi muốn được bồi thường là 748 triệu đồng công với án phí. Năm 2013 chúng tôi đã từng 2-3 lần tới tiếp xúc với doanh nghiệp này, nhưng đã không nhận được sự hợp tác nào từ phía vi phạm. Vì thế chúng tôi buộc phải khởi kiện ra tòa. Thực tế chúng tôi chưa từng có kinh nghiệm về vụ kiện ra tòa nào ở Việt Nam, nên chúng tôi chưa thể dự đoán trước là phía chúng tôi có thắng kiện hay không, có thể chúng tôi sẽ thắng kiện nhưng không được nhận tiền đền bù chẳng hạn, điều này còn phụ thuộc vào sự phán xét của thẩm phán. Nhưng chúng tôi đã có đủ những bằng chứng mạnh mẽ để khẳng định phía Trimmer vi phạm"
|