Lấn chiếm, thu hẹp lòng hồ và diện tích chứa nước
Khu vực bị san lấp, lấn chiếm thuộc địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Mặc dù cơ quan chức năng gồm chính quyền xã, huyện, đơn vị chủ quản của công trình là Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Thủy lợi Dầu Tiếng) nhiều lần đến hiện trường lập biên bản yêu cầu dừng san lấp trái phép, tuy nhiên, một số cá nhân này vẫn tiếp tục thi công như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ông Lê Văn Công, chuyên viên Phòng quản lý nước và công trình Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, hiện mực nước hồ đang xuống thấp, chỉ còn +20.40m, mực nước rút xuống tương đương 4,5m. Mặc dù Công ty Thủy lợi Dầu Tiếng đã cắm mốc, phân định ranh giới diện tích đất bán ngập của hồ, nhưng các đối tượng lợi dụng mực nước xuống thấp, đưa phương tiện, máy móc vào đào bới, san lấp và làm công trình. Theo ước lượng ban đầu của đoàn kiểm tra, phần đất bị san lấp có chiều dài khoảng gần chục cây số, rộng từ 100m đến hơn 200m. Tính tổng diện tích bị lấn chiếm có thể lên đến khoảng 5-6 ha. Trong diện tích bị san lấp, có những con suối nhỏ từ rừng cây, vườn cao su chảy ra hồ.
Ông Lê Văn Công cho biết thêm, công trình sai phạm lấn chiếm đất hồ, san lấp này không có sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Công trình chở đất từ trong vùng cao, dùng máy đào, đưa lên ô tô vận chuyển chở ra san lấp hồ Dầu Tiếng để lấn ra lòng hồ. "Sự việc này chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản đề nghị dừng lại nhưng mỗi khi đoàn kiểm tra hoặc người của công ty đi về thì họ lại tiếp tục thực hiện đào, lấp, xây dựng. Hiện những vết đất mới đổ xong chưa san lấp và bánh xe vẫn còn", ông Lê Văn Công bức xúc cho biết.
Theo Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa Bùi Đăng Khoa thì Công trình hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh; phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du. Với dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, diện tích mặt nước 2.700 ha, hồ Dầu Tiếng có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng như nuôi trồng.
Phần mặt hồ rộng Dầu Tiếng nhất thuộc tỉnh Tây Ninh, lên tới 70% diện tích. 30% diện tích còn lại thu hẹp dần, trong đó 25% thuộc tỉnh Bình Dương, và 5% ở Bình Phước. Điều đáng nói là, 25% diện tích ở Bình Dương tuy nhỏ, hẹp, nhưng lại vô cùng quan trọng nó là một mạng lưới những con suối tích nước vào hồ. Giả sử lòng hồ là bàn tay thì các nhánh suối là ngón tay, các ngón tay này mùa mưa có nhiệm vụ tích nước để dự trữ cho mùa khô. Nhưng nay, một số con suối đang bị "xóa sổ" bởi các đối tượng san lấp trái phép. Ngoài ra, việc lấn chiếm lòng hồ còn ảnh hưởng đến diện tích hồ khiến lòng hồ thu hẹp, thu hẹp diện tích chứa nước. Hy vọng chính quyền địa phương cương quyết xử lý triệt để có thể trả lại nguyên trạng ban đầu, làm gương cho các công trình tiếp và tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích sử dụng của 5 tỉnh- ông Bùi Đăng Khoa cho biết.
Xử lý nghiêm và mạnh tay với vi phạm
Trước đó, ngày 20/5, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có công văn gửi UBND huyện, Công an huyện Dầu Tiếng, Công an xã Minh Hòa đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép diện tích bán ngập của hồ. Nhưng do Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa là đơn vị quản lý hồ không có chức năng xử phạt, chế tài, vì vậy, khi phát hiện đơn vị chỉ có thể lập biên bản yêu cầu ngưng việc lấn chiếm. Vì vậy, chủ công trình này vẫn bỏ ngoài tai yêu cầu dừng san lấp, vẫn tiếp tục san lấp, xây dựng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên TTXVN đã gặp và trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng Trần Quang Tuyên. Ông Tuyên cho biết, đây chỉ là một hộ gia đình, quyền sử dụng đất thuộc về ông Huỳnh Tấn Đạt diện tích cấp sổ 2012 là 36 ha, diện tích đất nằm trong vùng bán ngập là 14,6 ha nằm tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Đầu tháng 6, sau khi tiếp nhận thông tin ông Đạt có san lấp lấn vùng bán ngập của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, chính quyền huyện đã chỉ đạo địa phương lập biên bản và tạm ngưng công trình này 2 lần. Về hiện trạng san lấp, chính quyền có ghi nhận bên phía ông Đạt đã lấn chiếm đổ hơn 1.500m3, trong khi ông này khai báo là làm bè cá chứ không phải công trình du lịch.
Tuy nhiên, đây là công trình Quốc gia, huyện Dầu Tiếng đã quyết liệt chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm trường hợp này; yêu cầu ông Đạt khắc phục hậu quả trả nguyên hiện trạng công trình, nếu không chấp hành, chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng Trần Quang Tuyên nhấn mạnh.