Việc tạm giữ ôtô vi phạm lấn chiếm lòng lề đường là một trong các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Lực lượng chức năng xử lý các ô tô đậu lấn chiếm lề đường Nguyễn Thái Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Cụ thể, khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện… Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...”.
Nếu chủ xe xuất hiện kịp thời và có các giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe ô tô… và xuất trình giấy tờ, thì không bị tạm giữ phương tiện mà tạm giữ giấy tờ theo quy định. Trong trường hợp chủ xe không có giấy tờ hoặc không chịu xuất trình giấy tờ để tạm giữ thì mới bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm.
Mặt khác, theo khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 9 Nghị định 115/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì: Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Như vậy, nếu trong quá trình cẩu xe hoặc tạm giữ xe ô tô mà xảy ra hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường.