Các băng nhóm tội phạm ma túy cũng lợi dụng triệt để không gian mạng để gia tăng hoạt động phạm tội với nhiều thủ đoạn mới - Đánh giá của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, Trưởng đoàn phía Việt Nam tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 7 (AMMD7) mới đây đã cho thấy những vấn đề đáng báo động của loại tội phạm này trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet trong đời sống xã hội.
* Dùng mạng xã hội để điều hành “cái chết trắng”
Lật hồ sơ những vụ án liên quan đến băng nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng “khủng” mà lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chủ động phát hiện, đấu tranh triệt phá gần đây cho thấy thách thức trong trận tuyến với “cái chết trắng”: Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã khiến “thế giới ảo” trở thành “đất diễn” của tội phạm ma tuý. Các đối tượng cầm đầu, trong đó có người Việt cư trú tại một số nước châu Âu, không về Việt Nam mà dùng mạng xã hội điều khiển các đối tượng ở trong nước nhận, vận chuyển hàng. Chúng sử dụng những thiết bị tiên tiến để giao dịch, vận chuyển ma túy, điều chế các chất ma túy mới.
Một điển hình về việc loại tội phạm này lợi dụng công nghệ cao là tháng 5/2022, lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển, mua bán trái phép ma túy từ Hà Lan qua Thẩm Quyến (Trung Quốc), sau đó vận chuyển về Việt Nam qua tuyến đường hàng không. Trung tuần tháng 2/2022, tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, tổ công tác gồm các cán bộ, chiến sỹ của Đội 5, Công an quận Long Biên; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội đã đấu tranh, bắt giữ đối tượng vi phạm.
Theo đại diện lãnh đạo Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc, tang vật thu giữ là một tấm giấy gồm 500 tem nhỏ có khối lượng 8,4g có tẩm chất lcP-LSD hàm lượng 150mcg và nhiều tang vật liên quan khác. LcP-LSD là chất ma tuý mới xâm nhập vào Việt Nam, có tác dụng gây ảo giác tương tự chất ma túy LSD có trong "tem lưỡi". Trong vụ này, thủ đoạn của đối tượng là đặt mua số tem trên mạng và được bên bán đóng gói trong bì thư gửi từ Hà Lan về Việt Nam qua đường hàng không theo loại hình bưu chính.
Đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia do Trần Thị Mậu cùng với Nguyễn Sỹ Đức, 56 tuổi, cầm đầu vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) triệt phá, lại là điển hình về thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để điều hành từ xa. Dưới tay "bà trùm" 53 tuổi này là hàng chục đối tượng cộm cán, có nhiều tiền án. Mậu và Đức thường đặt mua ma túy của các ông chủ bên Lào. Sau khi thống nhất về giá cả, số lượng hàng, “bà trùm” thuê người gùi ma túy qua các cánh rừng già hẻo lánh để tập kết ở khu vực biên giới huyện Anh Sơn, Nghệ An. Mỗi lần chuyển hàng, nhóm này chia thành nhiều lớp để cảnh giới từ đường quốc lộ đến bìa rừng và khu biên giới. Giờ "vàng" để nhận hàng là 22-24 giờ.
C04 chủ trì phối hợp cùng các đơn vị “đánh sập” đường dây này vào tháng 11 năm 2021. Quá trình phá án, cảnh sát còn đồng loạt khám xét 12 địa điểm ở Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan công an đã khởi tố 9 bị can, thu 64 kg ma túy tổng hợp, 20 bánh heroin...
* Những lô hàng ma túy gắn chíp định vị
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tội phạm ma túy đang triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình ma túy diễn biến hết sức phức tạp. Chúng coi sự phát triển rất nhanh chóng, phủ sóng rộng khắp của các trang thương mại điện tử như một kênh thông tin, mua bán, giao dịch ma túy tương đối hiệu quả.
Ngoài việc tạo lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội để quảng cáo, rao bán các chất ma túy, các đối tượng chủ mưu cầm đầu còn thành lập các hội, nhóm trên mạng xã hội để trao đổi, mua bán các loại chất gây nghiện, chất hướng thần. Với các loại ma túy nguy hiểm như ma túy tổng hợp, các đối tượng lập ra các hội, nhóm kín trên các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin OTT để trao đổi thông tin, giao dịch, mua bán.
Hiện nay cũng đã xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng các trang mạng, diễn đàn ngầm để mua bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng người nước ngoài sẵn sàng chi tiền và tìm cách móc nối với các đối tượng trong nước để đào tạo, huấn luyện việc sử dụng, khai thác các trang mạng, diễn đàn ngầm nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang tính chất xuyên quốc gia. Chúng còn sử dụng các thành tựu, phương tiện khoa học công nghệ để điều chế, sản xuất một số loại ma túy tổng hợp để tiêu thụ nội địa hoặc vận chuyển đi các nước.
Điều này đã đặt ra những thách thức cho các lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy - Đại diện Cục C04 nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Ổn: Nhiều công nghệ hiện đại tiếp tục bị lợi dụng, triệt để khai thác để phục vụ ý đồ bất hợp pháp và trốn tránh, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan hải quan cùng các lực lượng chức năng.
“Chủng loại ma túy, phương thức thủ đoạn của các đối tượng tội phạm cũng đa dạng và tinh vi hơn rất nhiều so với trước kia, công tác kiểm soát ma túy của các lực lượng chức năng của Việt Nam nói chung và lực lượng kiểm soát chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam nói riêng cần phải được chú trọng hơn nữa”, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.
Trao đổi về tình hình này, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cũng cho hay: Ma túy được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” qua các tỉnh Trung và Bắc Lào về các bản giáp biên giới của tỉnh Sơn La để chờ thời cơ vận chuyển vào Việt Nam hoặc đi nước thứ 3 tiêu thụ. Các đối tượng ở phía ngoại biên sử dụng Internet, mạng xã hội để móc nối, giữ liên lạc với các đối tượng trong nước chờ thời cơ thuận lợi sẽ mua bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ.
Các đối tượng đang có nhiều phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy mới. Chúng lợi dụng các mạng xã hội Facebook, Zalo... để lập nhóm kín hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy- Đại tá Vũ Đức Tú nói.
Nhận định những phức tạp của hoạt động tội phạm ma túy trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là dấu hiệu chúng sử dụng công nghệ cao vào hành vi phạm tội, Thượng tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho hay: Qua phối hợp với Cảnh sát Biển các quốc gia, Cảnh sát biển Việt Nam đã nắm bắt thông tin, Cảnh sát Biển Malaysia, Cảnh sát Biển Campuchia đã thu giữ được hàng trăm kilôgam ma túy tổng hợp trôi dạt trên vùng biển hai quốc gia này. Malaysia đã bắt giữ được một tổ chức vận chuyển ma túy bằng đường biển.
Việc vớt được rất nhiều ma túy trôi nổi trên biển chứng tỏ tội phạm đã vận chuyển ma túy bằng đường biển, nhưng có thể do thời tiết, điều kiện khách quan, do tàu thuyền bị chìm đắm hoặc do sự nghi ngờ, phát hiện của các cơ quan chức năng nên các đối tượng này ném ma tuý xuống biển để phi tang. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tội phạm có khả năng gắn chip định vị vào ma túy sau đó thả xuống biển để các đối tượng khác đến, tiếp cận, nhận hàng và bọn chúng không giao nhận trực tiếp với nhau.
“Cũng từ biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi nhận thấy tội phạm ma túy đã sử dụng tàu có tải trọng lớn, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Việt Nam với các quốc gia như Indonesia, Malaysia để tổ chức sản xuất, mua bán, vận chuyển, giao nhận ma túy ngay trên biển. Đây là một thủ đoạn mới rất tinh vi nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang”.
“Việc triệt phá các băng nhóm, đường dây ma tuý này đòi hỏi không chỉ một quốc gia mà phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước”, Thượng tá Phan Quang Huy nhấn mạnh.
Bài 4: Hợp sức trên các tuyến, siết chặt các kẽ hở