'Cầu nối' để người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 244/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật”. Thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật” (Đề án) là giải pháp cụ thể hoá chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng và phát triển chính phủ số - ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), theo dõi thi hành pháp luật.

"Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật tạo cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lắng nghe phản ánh, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi để điều chỉnh chính sách kịp thời", đại diện Bộ Tư pháp cho biết.

Chú thích ảnh
Từ tháng 3/2025, người dân, doanh nghiệp có thể đóng góp ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật qua ứng dụng trên di động. Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức.

Thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống này tích hợp với thông tin, dữ liệu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ứng dụng định danh quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia để giảm thiểu chi phí xã hội, rút ngắn thời gian, tăng tính xác thực và nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phản ứng chính sách.

5 chức năng của Hệ thống thông tin bao gồm: Gửi kiến nghị, phản ánh và xử lý thông tin của cơ quan tiếp nhận; Tiếp nhận và phân luồng phản ánh, kiến nghị; Xử lý phản ánh, kiến nghị; Trả lời phản ánh, kiến nghị; Đánh giá kết quả xử lý.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp gửi phản ánh, kiến nghị về các chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật thông qua Ứng dụng trên thiết bị di động (app PACS) hoặc Trang thông tin (website); căn cứ vào thông tin về văn bản quy phạm pháp luật được phản ánh, kiến nghị thì phần mềm tự động đánh giá, lọc cơ quan chủ trì soạn thảo để đề xuất cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp lựa chọn cơ quan nhận phản ánh, kiến nghị. Trường hợp phát hiện thông tin phản ánh, kiến nghị không đảm bảo chính xác, phần mềm sẽ tự động loại bỏ, không tiếp nhận phản ánh.

Trách nhiệm xử lý, chủ trì xử lý thuộc về cơ quan có trách nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (là cơ quan đã chủ trì tham mưu ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật có kiến nghị, phản ánh). Nội dung này được xác định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống sẽ tự động phân luồng trên cơ sở nguyên tắc này.

Đối với nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc áp dụng pháp luật thì cơ quan ban hành văn bản/cơ quan tham mưu ban hành văn bản có thẩm quyền, trách nhiệm trả lời cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã gửi phản ánh, kiến nghị. Ngoài ra, đối với nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thì các chủ thể có thẩm quyền ngoài việc tiếp nhận, trả lời sẽ gửi đồng thời đến Bộ Tư pháp để tổng hợp. Kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị được công khai cho mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thông qua trang thông tin phản ánh chính sách và trên app PACS.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp gửi phản ánh, kiến nghị có quyền phản hồi lại thông tin nhằm làm rõ hơn kết quả xử lý của cơ quan nhà nước và đánh giá kết quả xử lý của cơ quan nhà nước với 5 tiêu chí sau: Rất hài lòng; Hài lòng; Bình thường; Không hài lòng; Rất không hài lòng; Ý kiến khác (nếu có).

Các phản ánh, kiến nghị sẽ được phân loại theo kết quả xử lý, bao gồm: Số phản ánh, kiến nghị nghiên cứu, tiếp thu; Số phản ánh, kiến nghị giải trình, cung cấp thông tin; Số phản ánh, kiến nghị trả lại, đề nghị bổ sung thông tin. Bên cạnh đó, các phản ánh kiến nghị sẽ được tổng hợp theo một số tiêu chí sau: Số tiếp nhận; Số đầy đủ thông tin để chuyển xử lý; Số yêu cầu bổ sung, cung cấp thêm thông tin; Số giải quyết.

Dự kiến Hệ thống này bắt đầu vận hành thử nghiệm từ tháng 3/2025, đến tháng 6/2025 thì vận hành chính thức.

Thế Đoàn/Báo Tin tức
Người đứng đầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ban hành văn bản trái pháp luật
Người đứng đầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ban hành văn bản trái pháp luật

Theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ban hành văn bản trái pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN