Chậm chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1:

Các nhà máy tiếp tục gây ô nhiễm sông Đồng Nai

Được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo dự án chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại, dịch vụ. 

Đây là dự án đặc biệt không những nhằm xây dựng khu đô thị thương mại và dịch vụ hiện đại của tỉnh Đồng Nai mà còn nhằm bảo vệ môi trường nguồn nước sông Đồng Nai - nơi cung cấp nguồn nuớc chính cho hơn 10 triệu người khu vực đô thị của tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sông Đồng Nai đục ngầu do bị ô nhiễm.

KCN Biên Hòa 1 được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích 323 ha và là KCN được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam hiện có 103 doanh nghiệp (DN), trong đó có 96 DN đang hoạt động. Đến nay mới có 36 DN xây dựng được hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng; số DN còn lại đều thải chung vào một tuyến ống và xả trực tiếp ra sông Đồng Nai với lưu lượng 15.000 m3/ngày với hàm lượng chất gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn thải từ 10 đến hàng trăm lần, đã và đang là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo đề án của Công ty Phát triển KCN Biên Hòa Sonadezi, các DN sẽ được hỗ trợ di dời về KCN Giang Điền ở huyện Trảng Bom có diện tích gần 500 ha do Sonadezi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nếu DN nào không di dời về KCN Giang Điền sẽ được bố trí địa điểm xây dựng nhà máy trong các cụm, KCN khác của tỉnh phù hợp với quy hoạch. Các DN khi di dời ngoài chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng còn được chủ đầu tư hỗ trợ chi phí di chuyển, hỗ trợ ổn định sản xuất, tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng...

Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 được các DN ủng hộ, song đến thời điểm này, các DN chỉ biết chủ trương chung chung của tỉnh chứ chưa được cung cấp cụ thể phương án di dời, hỗ trợ. Các DN cũng cho rằng, phương án di dời, hỗ trợ mà Sonadezi trình bày chưa lường hết những phát sinh mà DN gặp phải khi di dời. Các DN đề nghị chủ đầu tư trả lời cụ thể về những cơ chế, chính sách đối với DN trong công tác đền bù, hỗ trợ di dời cũng như điều kiện và cơ hội của DN trong tham gia dự án phát triển khu trung tâm đô thị, thương mại sau chuyển đổi... Không ít DN ký hợp đồng thuê đất 50 năm đã đầu tư kinh phí lớn để xây dựng nhà máy và đã đi vào hoạt động được khoảng 10 năm. Ngoài ra, hiện có khoảng hơn 26.000 lao động đang làm việc tại các DN trong KCN và còn khoảng 300 hộ dân đang sinh sống trong các cư xá của các DN được xây dựng trước năm 1975...

Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 tiếp tục được các sở, ban, ngành và các DN trong KCN cũng như lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai bàn thảo. Song có một điều rõ ràng là, hiện các DN trong KCN vẫn phải tiếp tục sản xuất kinh doanh và nguồn nước thải vẫn hàng ngày xả thẳng ra sông Đồng Nai gây ô nhiễm môi trường.

Minh Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN