Bị cáo Đinh La Thăng cùng Luật sư bào chữa tranh luận về tội danh

Sáng 11/5, Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục phần tranh luận.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng cùng Luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng”, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm.

Trong phần tranh luận trước đó, theo sự điều hành của Chủ tọa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm bị cáo buộc tội "Tham ô tài sản". Phiên tranh luận sáng nay tập trung vào nhóm bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Luật sư đề nghị xem xét giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng

Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan về giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng; xem xét lại căn cứ, phương pháp và mức độ xác định thiệt hại của cơ quan giám định để từ đó xem xét thấu đáo hơn vai trò, trách nhiệm của bị cáo Thăng, đồng thời công tâm xem xét lại cả tội danh và hình phạt, cũng như phần tuyên về trách nhiệm dân sự buộc ông Đinh La Thăng phải bồi thường 30 tỷ đồng.

Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng bị cấp sơ thẩm tuyên 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, bản án sơ thẩm đã không xem xét và phân biệt, làm rõ được ranh giới giữa trách nhiệm của Hội đồng quản trị nói chung; trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của bị cáo Đinh La Thăng; trách nhiệm đã được phân công cụ thể của Ban điều hành, của hệ thống các Công ty trực thuộc trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Ranh giới này đã được nêu rõ trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN và nhiều văn bản khác.

"Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Đinh La Thăng không chối bỏ và đổ trách nhiệm cho bất cứ ai, thậm chí còn sẵn sàng nhận thay trách nhiệm trước hậu quả vụ án với tư cách người đứng đầu. Nhưng điều làm ông Đinh La Thăng trăn trở trong những ngày qua sau khi Bản án sơ thẩm được tuyên là mọi trách nhiệm thuộc về phần hành của hai đơn vị thành viên là PVPower và PVC trong việc ký kết Hợp đồng EPC, tạm ứng tiền, kiểm tra việc sử dụng tiền tạm ứng lại đều quy chiếu đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, dẫn đến từ ngữ trong bản án sơ thẩm luôn nhấn mạnh đến việc ông Thăng “chỉ đạo, quyết định” và dường như mọi hậu quả thiệt hại của vụ án này đều do ông Thăng gây ra, kể cả về mặt dân sự buộc ông phải bồi thường tới 30 tỷ đồng" - Luật sư Hoài trình bày.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Lập luận cho quan điểm này, Luật sư cho rằng, quá trình thẩm tra công khai tại phiên tòa đã chỉ rõ ranh giới này, trong đó ông Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) đã ký ban hành Quyết định số 8146 ngày 10/9/2010 thành lập Ban chỉ đạo các Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do bị cáo Nguyễn Quốc Khánh làm Trưởng Ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Phó Tổng Giám đốc là Nguyễn Quốc Khánh, Phạm Thị Thu Hà, Nguyễn Xuân Sơn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án được PVN cấp vốn đầu tư cho các Dự án và chi phí hoạt động của Ban theo quy định của PVN trên cơ sở dự toán và kế hoạch hoạt động được PVN phê duyệt, có trách nhiệm thay mặt PVN quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả vốn đầu tư của Dự án. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm tạm ứng vốn và thanh toán cho nhà thầu theo quy định của hợp đồng, chịu trách nhiệm trước PVN, các cơ quan quản lý và pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lý đối với các chứng từ thanh toán với nhà thầu theo đúng quy định của Nhà nước và PVN.

Do đó, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát phúc thẩm xem xét liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong vấn đề đánh giá năng lực, xin ý kiến về chủ trương và chỉ định thầu, ký kết hợp đồng EPC, cũng như tạm ứng tiền cho PVC trong giới hạn phạm vi mối quan hệ giữa nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị với Ban Tổng Giám đốc và Ban Quản lý dự án.

Bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh

Thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Xuân tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo bản án sơ thẩm, Nghị quyết Hội đồng thành viên PVN đã nêu rõ muốn thực hiện dự án thì PVC phải thành lập liên danh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất làm tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN ngày 15/10/2010 của Hội đồng thành viên PVN, Điều lệ PVN. Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng thể hiện: bị cáo cũng thừa nhận do sức ép về tiến độ nên có sai phạm về quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu không thông qua Hội đồng thành viên.

Bên cạnh đó, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan nhưng do nôn nóng, cũng như do sức ép công việc nên bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định.

Tự bào chữa cho mình tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát đưa ra bản luận tội đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là cấp dưới của mình trong vụ án này, đồng thời mong muốn Hội đồng xét xử giảm nhẹ tối đa hình phạt cho các bị cáo này. Tuy nhiên đối với những cáo buộc với cá nhân mình, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng "rất băn khoăn và không đồng tình đối với quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát".


Lý do theo bị cáo Thăng, những căn cứ xác thực chưa được cấp sơ thẩm xem xét thấu đáo; diễn biến, tình tiết mới tại phiên phúc thẩm chưa được đại diện Viện Kiểm sát xem xét, đánh giá một cách công tâm, khách quan. "Do đó, phần buộc tội đối với cá nhân tôi gần như nguyên văn với bản án sơ thẩm, không có cập nhật tình tiết mới nào. Tôi cảm nhận rằng hình như với cá nhân tôi, thì tất cả những gì dù không phải trách nhiệm của tôi thì vẫn bị quy buộc từ việc chỉ đạo ký hợp đồng, chỉ định thầu, tạm ứng tiền... Tôi rất đồng tình với Luật sư Phan Trung Hoài là có phân các cấp quản lý tuy nhiên bản án quy trách nhiệm đều gắn với tôi" - theo lời bị cáo Thăng.

Bị cáo Thăng đề nghị Tòa xem xét trách nhiệm của mình theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. "Những gì thuộc thẩm quyền của tôi mà có sai phạm thì quy kết trách nhiệm, còn nếu thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp khác, đơn vị, các nhân khác thì đề nghị Tòa không quy kết." - Bị cáo Thăng nói.

Từ đó, bị cáo Đinh La Thăng cùng Luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng”, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm.

Theo Luật sư bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng cùng tập thể Hội đồng quản trị PVN đã chưa cân nhắc thận trọng dẫn đến việc giao chủ đầu tư PVPower chưa phù hợp với điều kiện thực tế, sau đó đã phải chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của lãnh đạo PVN, Ban Quản lý dự án và các Ban của PVN đối với Tổng thầu PVC còn thiếu sâu sát, chưa thực sự hiệu quả.

Luật sư đề nghị Tòa ghi nhận việc bị cáo Đinh La Thăng thành khẩn nhìn nhận mình đã có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến các hậu quả bị coi là nghiêm trọng của vụ án, từ đó xin xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm đáng kể mức hình phạt 13 năm tù; đồng thời xin xem xét không buộc bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm bồi thường 30 tỷ đồng mà bản án sơ thẩm đã tuyên.

Cũng tại diễn biến phiên tòa, các bị cáo khác và các luật sư bào chữa trình bày những quan điểm liên quan đến nội dung kháng cáo và xin được giảm nhẹ hình phạt cũng như trách nhiệm bồi thường. Bên cạnh đó, nhiều bị cáo trình bày hoàn cảnh bản thân, gia đình, trong quá trình tố tụng đã có ý thức khắc phục hậu quả cao, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực, từ đó mong muốn Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.

TTXVN/Báo Tin tức
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC bước vào phần tranh luận
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC bước vào phần tranh luận

Chiều 10/5, Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bước vào phần tranh luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN