Tại thành phố Rạch Giá, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đối với bốn bị cáo gồm: Trần Văn Luyến (sinh năm 1981, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá), Phạm Chí Dũng (sinh 1965, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất), Trần Minh Tâm (sinh năm 1984, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành), Trần Văn Nhựt (sinh năm 1987, xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá).
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Văn Luyến 8 năm tù, Phạm Chí Dũng 7 năm tù, Trần Minh Tâm 7 năm tù và Trần Văn Nhựt 1 năm tù. Cả bốn bị cáo cùng phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, ngày 16/5/2022, Trần Văn Luyến là chủ cặp tàu số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ vì khai thác hải sản trái phép. Do sợ bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện tịch thu sau khi chuộc cặp tàu về, Tâm đã gọi điện cho Nguyễn Bảo Duy (cán bộ đăng kiểm) đến gặp Luyến và Tâm để bàn bạc làm 2 bộ hồ sơ tàu mới. Duy đồng ý làm bộ hồ sơ mới số hiệu KG-93949-TS và KG-93971-TS để thay thế bộ hồ sơ cặp tàu bị bắt nói trên với giá 400 triệu đồng.
Cuối tháng 8/2022, Luyến, Tâm và Lê Phước Hậu đi sang Malaysia để chuộc cặp tàu đang bị cơ quan chức năng bắt giữ. Luyến chỉ đạo cho Hậu chạy tàu về Cà Mau và yêu cầu xóa số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS rồi vẽ lại số hiệu tàu mới là KG-93949-TS và KG-93971-TS.
Đến đầu tháng 9/2022, Hậu chạy cặp tàu này về đến Cảng Sing - Việt, Sông Đốc (Cà Mau). Đồng thời, Dũng gặp Duy lấy hồ sơ cặp tàu mới và 2 thiết bị giám sát hành trình tàu cá mang xuống Sông Đốc gắn lên cặp tàu vừa chuộc về. Sau đó, Dũng nói với Trần Văn Nhựt, Trần Văn Tài và Nguyễn Văn Tới đi sang Malaysia khai thác hải sản trái phép với số tiền ứng trước là 20 - 25 triệu đồng/người, tỷ lệ chia 6/4, khai thác 100 ngày vào bờ một lần. Các đối tượng đã rủ thêm 24 người đi khai thác hải sản trái phép. Trong quá trình khai thác, Dũng chạy vào vùng biển Indonesia thì bị lực lượng Hải quân nước này phát hiện, bắt giữ và đưa về giam giữ tại trại Batam - Indonesia.
Sau khi vụ án xảy ra, vào tháng 10 và 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ba đối tượng gồm: Luyến, Dũng, Tâm. Đến ngày 5/1/2024, Trần Văn Nhựt bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, đối với hành vi của Nguyễn Bảo Duy - cán bộ đăng kiểm, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đang tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ và sẽ xử lý sau.
*Chiều 29/1, Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) tổ chức phiên tòa xét xử điểm vụ án “Tàng trữ hàng cấm” là pháo nổ đối với bị cáo Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1990, trú thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Liêm, vào khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 16/12/2023, Tổ công tác của Công an huyện Thanh Liêm làm nhiệm vụ tuần tra bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, phát hiện xe mô tô 90H1-7851 do Nguyễn Đức Toàn điều khiển có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra hành chính, lực lượng Công an bắt quả tang trên xe đang cất giấu trái phép 8,909 kg pháo nổ. Thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Đức Toàn, lực lượng chức năng thu giữ thêm 0,017 kg pháo nổ. Theo đó, tổng số pháo nổ Toàn tàng trữ trái phép là 8,926 kg.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Đức Toàn khai nhận, tổng số pháo nổ trên được đối tượng mua của một người không quen biết trên mạng xã hội về sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán; đang trong quá trình vận chuyển về nhà thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Toàn 6 tháng tù về tội “Tàng trữ hàng cấm” theo quy định tại Điểm c Khoản 1, Điều 191 Bộ luật Hình sự.
Việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhanh chóng vụ án này nhằm cảnh cáo, răn đe và là lời cảnh tỉnh cho các đối tượng có ý định sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán.