Về an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng.
Về mặt hàng phân bón, đã kiểm tra 4.891 vụ; phát hiện, xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam tạm giữ 17 cuộn dây cáp quang không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN |
Về thuốc bảo vệ thực vật, đã kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1.548,26 triệu đồng. Đối với mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phát hiện, xử lý 4.859 vụ, trong đó: vi phạm về vận chuyển 1.143 vụ; vi phạm về kinh doanh 3.718 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 25,74 tỷ đồng; tịch thu 966.097 bao thuốc lá các loại.
Cục Quản lý thị trường đánh giá tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng vì những nguyên nhân cơ bản như: điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp, lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, phải quản lý trên địa bàn rất rộng; nhân dân khu vực biên giới không có công ăn việc làm, lấy việc cho thuê nhà làm kho chứa hàng lậu, vận chuyển thuê hàng lậu qua biên giới làm nghề kiếm sống...
Mặt khác, các vướng mắc về cơ chế chính sách cũng là một khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ví dụ: chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp rất khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và các thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ...
Từ nay đến cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, hoàn thiện, trình ban hành đúng thời hạn Đề án chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm (Đề án 8) theo phân công của Chính phủ.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa thực phẩm khác là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.