Vụ án tranh chấp dân sự đơn giản cứ tưởng đưa đến cơ quan tố tụng xử lý nhẹ nhàng chóng vánh. Nhưng thực tế, khi các cơ quan chức năng thụ lý giải quyết đã biến thành vụ án trở nên quá phức tạp phải kéo dài hơn 8 năm với 14 lần đưa ra xét xử vẫn không xong. Đương sự tham gia tố tụng trong phiên tòa mất nhiều thời gian và quá mệt mỏi với tâm trạng lo âu không biết bao giờ kết thúc giải quyết vụ việc để ổn định sinh sống.
Bà Phạm Thị Quyên (sinh 1958, trú tại 59/8 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) có 1,957 ha cà phê tại buôn Đăk R’la, xã Đăk N’Drót, huyện ĐăkMil (Đăk Nông) cạnh rẫy cà phê và nhà ở ông Trần Ngọc Thời ( sinh năm 1962). Do đường sá xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn và thiếu lao động, bà Quyên thuê ông Thời đầu tư chăm bón rẫy cà phê. Ngày 7/11/2004, bà Quyên viết giấy tay bán rẫy cà phê cho ông Thời với số tiền 60 triệu đồng. Ông Thời đã giao cho bà Quyên 30 triệu đồng tiền đặt cọc. Hai bên cam kết đến tháng tư âm lịch (năm 2005) ông Thời đưa hết số tiền còn lại và bà Quyên giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của thửa đất cho người mua. Nhận đất, ông Thời đã tập trung chăm bón cà phê và trồng thêm 36 trụ hồ tiêu.
Thời gian sau đó giá sản phẩm cà phê tăng, giá đất cũng lên cơn sốt. Ngày 3/5/2006, bà Quyên làm đơn khởi kiện ông Thời lên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đăk Mil đòi hủy hợp đồng mua bán đất trước đây và lấy lại rẫy cà phê. Ngày 25/9/2006, TAND huyện Đăk Mil xử phiên sơ thẩm và ra quyết định: “Hủy bỏ giá trị pháp lý Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Phạm Thị Quyên và ông Trần Ngọc Thời đã xác lập từ ngày 7/11/2004; buộc ông Thời giao lại đất cho bà Quyên sử dụng; bà Quyên phải trả lại cho ông Thời 30.000.000 đồng tiền đặt cọc, cộng thêm 46.576.000 đồng tiền do ông Thời đầu tư công sức và tiền của chăm bón cà phê (tổng cộng bà Quyên phải trả lại cho ông Thời 76.576.000 đồng)”.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Thời kháng án. Ngày 4/1/2007, TAND tỉnh Đăk Nông xử phiên phúc thẩm và cơ bản giữ nguyên kết quả bản án sơ thẩm của TAND huyện Đăk Mil.
Ngày 31/1/2007, Thi hành án dân sự huyện Đăk Mil ra quyết định số 08/CC-THA cưỡng chế ông Trần Ngọc Thời giao lại 1,957 ha đất cho bà Phạm Thị Quyên. Không đồng ý với bản án phúc thẩm, ông Thời đã làm đơn khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và tiếp tục chăm sóc rẫy cà phê. Ngày 6/11/2007, ông Thời bị bắt tạm giam 2 tháng 10 ngày vì lý do không chấp hành án. Ngày 28/3/2008, TAND huyện ĐăkMil đã xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên án Trần Ngọc Thời 6 tháng tù về tội “không chấp hành thi hành án”( trả lại đất cho bà Quyên) nhưng cho hưởng án treo được khấu trừ thời hạn tạm giam.
Tuy ông Thời chưa giao lại rẫy cà phê, nhưng ngày 18/6/2007, bà Phạm Thị Quyên làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 1,957 ha cho vợ chồng ông Trần Văn Lung (1968) và Lê Thị Đại (1966, trú tại Thôn 3, xã Đăk R’la, huyện Đăk Mil). Từ thời điểm này trở đi, trong vụ án tranh chấp đất đai có thêm 2 người mới cùng có quyền lợi và trách nhiệm liên quan, làm cho vụ án càng phức tạp.
Sau khi nhận đơn khiếu nại và xem xét toàn bộ sự việc, Chánh án TAND tối cao đã đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm bản án trên và hủy các bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đăk Nông và bản án sơ thẩm của TAND huyện Đăk Mil. Ngày 25/5/2010, TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 220/2010/DS-GĐT. Quyết định nêu rõ: “Tòa án các cấp vi phạm thủ tục tố tụng khi thụ lý đơn khởi kiện của bà Quyên trong khi tranh chấp giữa bà Quyên và ông Thời chưa thông qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai năm 2003 và Điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004”. Quyết định giám đốc thẩm “Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 10/2007/DSPT ngày 4-1-2007 của TAND tỉnh Đăk Nông và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2006/DSST ngày 14-9-2006 của TAND huyện ĐăkMil, tỉnh Đăk Nông về vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Quyên với bị đơn là ông Trần Văn Thời”.
Như vậy, với Quyết định giám đốc thẩm TAND tối cao có hiệu lực, đồng nghĩa việc trước đây ông Thời bị bắt tạm giam 2 tháng 10 ngày vì không giao đất lại cho bà Quyên theo nội dung của bản án sơ thẩm TAND huyện ĐăkMil và bản án phúc thẩm TAND tỉnh Đăk Nông và chịu phạt tù 6 tháng là oan sai?
Nhận lại hồ sơ vụ án từ Tòa án nhân dân tối cao, ngày 28/3/2011, TAND huyện Đăk Mil đã xử lại phiên sơ thẩm lần 2. Điều mới phát sinh là từ phiên xét xử sơ thẩm này đã có thêm 2 đương sự mới là ông Trần Văn Lung và bà Lê Thị Đại (vừa mới mua đất bà Quyên) tham gia tố tụng trong vụ án và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tiếp tục, ngày 18/11/2011, TAND tỉnh Đăk Nông xử phúc thẩm vụ án lần 2 và đã hủy kết quả phiên tòa xử sơ thẩm; đồng thời trả lại hồ sơ cho TAND huyện Đăk Mil. Đến ngày 27/12/2012, TAND huyện Đăk Mil xử sơ thẩm lần 3, nhưng sau đó ngày 10/6/2013, TAND tỉnh Đăk Nông xử phúc thẩm lần 3 đã hủy bản án sơ thẩm lần 3 của TAND huyện Đăk Mil để xem xét xử sơ thẩm lại.
Như vậy, từ một vụ án dân sự đơn giản về tranh chấp đất đai, sau khi thụ lý giải quyết, các cơ quan tố tụng và thực thi pháp luật đã xử lý kéo dài biến vụ án trở nên quá phức tạp. Trong hơn 8 năm giải quyết vụ án, cơ quan bảo vệ pháp luật đã đưa vụ án 14 lần để xét xử, trong đó chính thức có 8 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm có bản án, cộng với 6 lần đưa ra xử sơ thẩm và phúc thẩm nhưng phải hoãn lại. Từ vụ án ban đầu chỉ có 2 đương sự tham gia tố tụng, sau đó đã tăng thêm số người liên quan đến tranh chấp đất đai, tài sản. Các phiên tòa về sau xét xử lại càng phức tạp thêm vì có nhiều tình tiết mới phát sinh.
Điều cũng đáng quan tâm là, sau khi vụ án tranh chấp đất đai xử lý xong, vấn đề còn lại phải giải quyết là xem xét một cách đầy đủ về việc trước đây ông Trần Ngọc Thời bị bắt tạm giam và chịu 6 tháng tù oan sai hay không? Trong đó có việc phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại vật chất tinh thần cho người bị oan sai đúng pháp luật, thể hiện tính nhân đạo; đồng thời xử lý nghiêm những kẻ cố ý làm sai, làm phức tạp vụ việc gây nên sự oan sai cho người dân.
Việc một vụ án dân sự đã được đưa ra xét xử 14 lần vẫn không xong- Lỗi từ đâu? Câu hỏi bức xúc này của dư luận chỉ có các cơ quan tố tụng và thực thi pháp luật huyện Đăk Mil và tỉnh Đăk Nông mới có thể trả lời được.
Nguyễn Ngọc Minh