Phản ánh tình hình phức tạp hiện nay ở Xyri, "Tạp chí Âu-Á" nhận định, Xyri đang thực sự trở thành một trận chiến toàn cầu giữa một bên gồm Mỹ, phương Tây, Liên đoàn Arập (AL), phe đối lập Xyri và bên kia gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Hezbollah của Libăng và chính quyền Xyri. Các đối thủ này khó có khả năng đánh bại lẫn nhau và cuộc chiến có thể kéo dài hơn nữa.
Đại hội đồng Liên hợp quốc để thảo luận về tình hình nhân quyền tại Xyri ngày 13-2. Ảnh: THX-TTXVN |
Mười một tháng trôi qua kể từ khi xảy ra tình trạng mất ổn định tại Xyri, rõ ràng ý đồ trấn áp phe đối lập của chính quyền Xyri tỏ ra không hiệu quả. Chế độ Xyri không thể bắt phe đối lập im lặng và ngược lại các nhóm đối lập, được sự yểm trợ của một số nước láng giềng, AL, Mỹ và phương Tây, cũng không có khả năng lật đổ chế độ ở Xyri.
Sau khi nghị quyết chống Xyri của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bị phủ quyết, rõ ràng LHQ không thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng Xyri trong thời gian tới. Các chính phủ Arập đã đệ trình kế hoạch chuyển giao chính quyền ở Xyri lên Đại Hội đồng LHQ - nơi không nước nào có quyền phủ quyết và việc phê chuẩn không được bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, một sự phê chuẩn của Đại Hội đồng LHQ sẽ tăng sức ép lên Tổng thống Bashar al-Assad, mở đường cho quốc tế cô lập ông ta hơn nữa và khuyến khích các nước cắt quan hệ với Xyri.
Một số nước trong HĐBA đang nỗ lực mở rộng cuộc chiến ở bên ngoài Xyri. Pháp, đại diện các chính phủ phương Tây, tìm cách thành lập một "nhóm quốc tế" ủng hộ phe đối lập Xyri. Pháp hy vọng 13 nước ủng hộ nghị quyết của HĐBA chống Xyri sẽ tham gia nhóm này, song hiện chưa rõ Ấn Độ, Braxin và Nam Phi có ủng hộ kế hoạch này không. Bản chất của "nhóm quốc tế" cũng giống như "nhóm liên lạc quốc tế" được thành lập để hỗ trợ dân chúng Libi trước đây. Bài học từ Libi cho phép Mỹ và phương Tây tìm cách can thiệp vào Xyri bên ngoài khuôn khổ HĐBA LHQ. Cũng như Libi, Mỹ sẽ không lãnh đạo cuộc chiến và sẽ giao vai trò chủ chốt cho các đồng minh châu Âu và các nước Arập. Pháp và các nước đồng minh đang thảo luận nhiều kế hoạch khác nhau, song bất cứ kế hoạch nào được áp dụng cũng sẽ mang danh nghĩa cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Xyri, kể cả thiết lập một khu vực an toàn ở tỉnh Adlib hoặc thiết lập một khu vực cấm bay đối với Xyri và thậm chí đưa lực lượng đổ bộ đường không đến khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc đẩy các chiến dịch tập kích Xyri.
Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Iran, Hezbollah của Libăng và một số nhóm của Palextin cũng đang theo đuổi các kế hoạch của họ. Sự tồn tại của chế độ Xyri hiện nay rất quan trọng cho Iran và Hezbollah của Libăng, bởi vì Xyri đóng vai trò trụ cột của cuộc chiến chống Ixraen. Rõ ràng, bất cứ sự thay đổi nào, can thiệp nước ngoài hoặc nội chiến ở Xyri sẽ nhanh chóng tác động, thậm chí gây mất ổn định an ninh cho Libăng. Hơn nữa, ngăn chặn sự thống trị của Mỹ đối với Trung Đông và các khu vực dầu lửa khổng lồ trong khu vực là vấn đề rất quan trọng đối với Trung Quốc và Nga. Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang rất cần dầu lửa của Trung Đông để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó nước này không muốn có sự giám sát chính trị của Mỹ trong khu vực.
Sau hai lần bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết của HĐBA LHQ, lên án việc các lực lượng trung thành với ông Assad đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ, Nga có thể đã từ bỏ việc bảo vệ vô điều kiện chế độ Xyri. Dường như Nga đang có sự thay đổi thái độ, chuyển từ việc bảo vệ Tổng thống Xyri Bashar al-Assad sang việc quản lý một tiến trình chuyển tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng Nga "cùng với các thành viên thường trực khác của HĐBA LHQ, đang sẵn sàng khuyến khích việc đối thoại nhằm đi đến một thỏa thuận".
Tuy nhiên, Nga kiên quyết không để mất vị thế siêu cường và chiến lược tại Xyri và toàn bộ Trung Đông. Nga khẳng định sẽ cung cấp các loại vũ khí mới cho chính quyền Xyri, kể cả các máy bay chiến đấu hiện đại MiG-29M2 theo hợp đồng đã được ký năm 2007. Mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, nhiều cố vấn Nga đang có mặt tại các cơ sở quân sự của Xyri vì khu vực này rất quan trọng đối với hợp tác quân sự quốc tế của Nga. Các phương tiện thông tin chính thống của Nga còn cho biết, quyết tâm bảo vệ và tăng cường sức mạnh quân sự cho chính quyền hiện nay ở Xyri là một phần trong kế hoạch tổng thể của Nga nhằm chống lại các nỗ lực bao vây Nga của Mỹ thông qua việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể thấy rằng, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc và Nga tại Xyri đang biến nước này thành một trận chiến toàn cầu bất phân thắng bại trong tương lai gần.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)